-
Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế - Di sản trong di sản
Vừa qua, gần 100 đại biểu là các chuyên gia văn hóa, đơn vị quản lý di sản, di tích và các nhà nghiên cứu khắp cả nước đã cùng bàn thảo về vấn đề “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế”. Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã đề cử pho tư liệu quý này vào danh mục Di sản Tư liệu thế giới thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO vào tháng 10/2015 tới đây.
Cần số hóa hệ thống thơ văn trên công trình kiến trúc
Hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế phần lớn là các tác phẩm được tuyển chọn của các vị hoàng đế, thân vương, quan lại dưới triều Nguyễn (giai đoạn 1802 - 1945). Nó được chạm khắc, khảm cẩn, tráng men hay đắp nổi trên các công trình kiến trúc cung đình với nhiều loại hình chất liệu khác nhau như gỗ, xà cừ, pháp lam, sành sứ… Theo thống kê, hiện nay trên kiến trúc cung đình Huế còn 2.967 ô thơ văn chạm khắc, sơn thếp... trên gỗ; 146 ô thơ văn viết tráng men thành pháp lam; 88 đơn vị ô hộc, câu đối, bài văn đắp ngõa sành sứ.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) khẳng định rằng thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế vốn dĩ đã là di sản, nó chứa đựng giá trị nổi bật toàn cầu của UNESCO. Đây gọi là “di sản trong di sản”, thế nên việc bảo tồn thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế cũng chính là bảo tồn di sản Huế. Ông Hùng cũng cho rằng Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (TTBTDTCĐ Huế) nên lưu ý đến vấn đề bảo quản; đồng thời cũng đề nghị đơn vị quản lý di tích nên thực hiện dịch hệ thống thơ văn này và phổ biến trên công nghệ hiện đại để nhiều người biết đến.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, người đã có nhiều tâm huyết nghiên cứu về triều Nguyễn và văn hóa Huế cũng trăn trở rằng nếu không có những giải pháp hữu hiệu và thiết thực để bảo vệ di sản này thì nó cũng dễ bị hủy hoại do thiên tai. “Như nhiều công trình kiến trúc quan trọng dưới triều Nguyễn đã bị hủy hoại như Đại Cung Môn, điện Càn Thành, điện Khôn Thái… chắc chắc là có lưu giữ nhiều tác phẩm thơ văn”, ông Xuân nói.
Cùng quan điểm với nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, PGS.TS Triệu Quốc Bình – nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa và từng tham gia xây dựng hồ sơ cho di sản Huế hơn 20 năm trước, cũng khẳng định rằng “việc bảo quản hệ thống thơ văn chữ Hán trên các công trình kiến trúc cung đình Huế, đặc biệt là các công trình gỗ cần lưu ý vấn đề hỏa hoạn. Cũng có thể bảo quản bằng nhà kính nhưng chỉ xử lý cục bộ cho di tích điện Thái Hòa”.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDTCĐ Huế khẳng định rằng, song song với việc xây dựng hồ sơ thì trung tâm cũng đồng thời tiến hành số hóa hệ thống thơ văn trên công trình kiến trúc cung đình Huế, để có cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị về sau.
Đủ tiêu chí để trình UNESCO
Với những đặc điểm độc đáo của loại hình di sản này, nhiều nhà nghiên cứu và các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo cho rằng Thừa Thiên - Huế nên xây dựng hồ sơ đề cử hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu khẳng định rằng, loại hình di sản này có đủ các tiêu chí để được vinh danh, gồm: tính xác thực; tính độc đáo và duy nhất; ý nghĩa quốc tế (thể hiện qua các tiêu chí về thời gian, địa điểm, con người, hình thức và phong cách); tính toàn vẹn; mức độ nguy hiểm. Vị giáo sư này cho rằng khi xây dựng hồ sơ cần tập trung làm rõ tiêu chí về tính độc đáo và duy nhất và đánh giá tầm quan trọng, tầm ảnh hưởng mang tính quốc tế của di sản tư liệu mà chúng ta đăng ký. “Bên cạnh việc chứng minh tính “độc đáo và duy nhất” giữa hệ thống thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế với các di sản, di tích khác trong lãnh thổ Việt Nam, chúng ta còn phải chứng minh trên thế giới cũng không có di sản tương tự. Do đó, TTBTDTCĐ Huế cần nghiên cứu sâu loại hình di sản này ở các nước trong khu vực Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc”, GS Lưu Trần Tiêu nhấn mạnh.
TS. Vũ Thị Minh Hương, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Chương trình ký ức thế giới Việt Nam cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng loại hình di sản này sẽ sớm được vinh danh là Di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới. Bà Hương cũng lưu ý TTBTDTCĐ Huế cần phối hợp với các cơ quan ban ngành để tổ chức các hoạt động nghiệp vụ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống tư liệu quý giá này thông qua các hoạt động như hội thảo, tọa đàm, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng…
Hiện nay, Việt Nam đã có 4 di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới của UNESCO gồm: tài liệu Mộc bản triều Nguyễn năm 2009; Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê, Mạc tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm 2010; hồ sơ Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm năm 2012 và hồ sơ Châu bản triều Nguyễn năm 2014. Sau khi được công nhận, các cơ quan trực tiếp quản lý di sản đều thực hiện những kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường bảo quản và phát huy giá trị di sản tư liệu quý này. Do tính chất, loại hình các tư liệu có sự khác nhau về chất liệu, phong cách và ý nghĩa về mặt nội dung; nên các Di sản tư liệu tại nước ta đã được phát huy giá trị thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Theo vietnamtourism.com
View more random threads:
Quyền viết bài
- Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
- Bạn Không thể Gửi trả lời
- Bạn Không thể Gửi file đính kèm
- Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
-
Nội quy - Quy định
Nhôm Kính Đại Phúc luôn đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu trong quá trình sản xuất và thi công. Chúng tôi lựa chọn các vật liệu cao cấp, đặc biệt là nhôm Xingfa nhập khẩu và kính cường lực đạt...
Đại Phúc - Đối tác uy tín của các...