Ngành dịch vụ vận tải bắc nam của Việt Nam nói chung và ngành vận tải biển nói riêng đang gặp rất nhiều vấn đề và thách thức. Tuy nguyên nhân cũng đã được đưa ra rất nhiều nhưng giải pháp lại chưa được đúc rút.



Sự mất cân đối trong cơ cấu các loại hình vận tải

Ngành dịch vụ vận chuyển Bắc Nam bằng đường biển tại Việt Nam còn gặp rất nhiều bất cấp có thể kể đến như sự mất cân đối trong cơ cấu của các loại hình vận tải khi so với cơ cấu vận tải nội địa bình quân của thế giới thì vận tải đường bộ và đường thủy nội địa chiếm tỷ trọng rất lớn (gần 93% sản lượng vận tải năm 2014). Trong khi đó, do đặc điểm địa hình với đường bờ biển dài và diện tích quốc gia trải dài từ Bắc xuống Nam, vận đường biển và đường hàng không có cơ hội phát triển mạnh trong nội địa, nhưng thực tế lại chiếm tỷ trọng rất thấp (chỉ khoảng 6% sản lượng vận tải năm 2014). Sự mất cân đối này đã làm giảm hiệu quả vận chuyển hàng hóa Bắc Nam của Việt Nam, khiến sản lượng vận tải không đạt tối ưu và chi phí vận tải bình quân bị “đội” lên cao.

Nguyên nhân giá dầu bất ổn

Đầu tiên là do giá dầu, giá nhiên liệu không ổn định và liên tục tăng cao thời gian trước đó, thời gian gần đây có giảm nhiều đợt nhưng vẫn chưa bằng giai đoạn ổn định trước quý I năm 2008. Trên thực tế, chi phí nhiên liệu bình quân chiếm trên 40% giá thành vận tải biển. Giá nhiên liệu cao trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế suy giảm, nhu cầu về vận tải biển giảm, giá cước vận tải biển giảm, nguồn hàng vận tải khan hiếm, ngoài ra chi phí bảo dưỡng cũng ngày càng tăng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty vận chuyển hàng biển trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; hầu như các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam đều trong tình trạng thua lỗ, một phần lớn doanh nghiệp nhỏ bị phá sản hàng loạt.

Liên kết rời rạc gây thất bại

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam thiếu sự liên kết với nhau và liên kết với các chủ hàng xuất nhập khẩu, ngành thương mại, bảo hiểm. Các doanh nghiệp trong nước còn có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh về giá cước vận tải để thu hút nguồn hàng, điều này không những không mang lại hiệu quả kinh doanh mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

Những tập quán ăn sâu vào tiềm thức

Thứ nữa, tập quán xuất nhập khẩu hàng hóa của chủ hàng Việt Nam thường theo hình thức mua CIF, bán FOB hoặc các phương thức vận tải tương tự. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, quy mô hàng xuất nhập khẩu nhỏ không đủ khả năng thuê nguyên một chuyến tàu nên phải nhường quyền thuê phương tiện cho đối tác nước ngoài. Đây là nguyên nhân chính làm cho doanh nghiệp Việt Nam chưa có hợp đồng vận tải. Khi quyền thuê phương tiện do đối tác nước ngoài đảm nhận, vì năng lực cạnh tranh của đội tàu Việt Nam yếu nên phía nước ngoài hầu như không lựa chọn đội tàu trong nước để vận tải.

Những vấn đề của ngành vận tải biển Việt Nam nói riêng và ngành vận chuyển hàng hóa bắc nam nói chung là những vấn đề của thời đại, đang xảy ra và vô cùng nghiêm trọng. Chính phủ và các cơ quan chức năng cần vào cuộc sớm để có các chiến lược đúng lúc, kịp thời và hiệu quả.