Cồng chiêng là nhạc cụ quan trọng và rất thiêng liêng trong đời sống văn hóa tâm linh của các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, đặc biệt là dân tộc H’rê ở Quảng Ngãi.




Người H’rê gọi chiêng là “chinh” và thường dùng bộ chiêng ba chiếc là phổ biến nhất.

Những gia đình người H’rê có cồng chiêng xem nhạc cụ này như là thành viên trong gia đình và được lưu giữ nơi trang trọng nhất.

Nghệ nhân Đinh Văn Rút ở thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ cho biết: “Chiêng có vai trò rất quan trọng và không thể thiếu trong các lễ hội, các dịp vui chơi của người H’rê. Với người H’rê, từ lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh đến lễ cưới, dựng nhà, hội làng, ở thời điểm nào cũng không thể thiếu hơi men nồng nàn và âm vang giai điệu cồng chiêng.”

Hàng năm, vào các dịp lễ hội, tết, hay lễ cưới,... người H’rê đều tổ chức cúng lễ chiêng hết sức trang trọng. Họ quan niệm rằng, chiêng cũng có linh hồn như con người, những bộ chiêng quý, chiêng hay là những bộ chiêng đã được sự che chở của Giàng.

Mỗi gia đình, buôn làng có việc dùng đến chiêng phải tổ chức lễ cúng chiêng, xin phép Giàng và cầu Giàng giúp cho hồn chiêng vui, khỏe.

Nhạc sỹ Đinh Thiên Vương, tỉnh Quảng Ngãi, cho hay: “Ngoài chức năng âm nhạc, những thanh âm của chiêng còn phản ánh tâm tư, khát vọng, tình cảm của con người, cũng như triết lý về cuộc sống. Đối với người H’rê, chiêng gắn bó với họ như cơm ăn, nước uống hàng ngày và theo suốt cuộc đời của mỗi người.”

Hiện nay, sự phát triển của phương tiện giải trí hiện đại là những thách thức đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa có những tác động tích cực và những giải pháp đồng bộ, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng người H’rê.

Ông Cao Văn Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết: “Chúng tôi chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, không gian văn hóa cồng chiêng người H’rê nói riêng, các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi nói chung. Để gìn giữ những giá trị văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số cần sự vào cuộc của cả cộng đồng chứ không chỉ của những người làm công tác quản lý. Vì vậy, chúng tôi tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.”

Chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là tài sản đặc biệt quý giá của gia đình và cộng đồng người H’rê ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi. Những bộ chiêng có âm thanh chuẩn được gìn giữ cẩn thận và truyền lại càng lâu đời càng có giá trị cao, thậm chí là vô giá.

Mỗi khi đồng bào H’rê vào hội, tiếng chiêng lại vang vọng giữa núi rừng tạo nên khí thế sôi động, để bước vào một vụ mùa mới với nhiều niềm hy vọng mới./.
Theo dulichvn.org.vn​

View more random threads: