<div style="text-align: justify;">
<table align="left" border="0" cellpadding="0" cellspacing="0" style="margin-right: 14px; margin-top: 2px; margin-bottom:10px">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center; "><strong><span style="">Nghệ nhân quan họ cổ - kho tàng sống của vùng đất Kinh Bắc.<br>
(Ảnh: Internet)</span></strong></td>
</tr>
</tbody>
</table>
(Cinet)- Khác với Quan họ mới thường được biết đến ngày nay, lối hát cổ không có nhạc đệm, cũng là những màn đối đáp nhịp nhàng được các nghệ nhân hát bộ nhưng lắm lối, nhiều đường, trúc trắc, láy lắt liên tục sao cho đạt được tiêu chuẩn của 4 yếu tố: vang , rền, nền, nảy.<br>
Có thể nói, trong kho tàng dân ca, quan họ được gìn giữ, phổ biến phong phú, bài bản vào bậc nhất so với các thể loại dân ca khác. Ngay từ thập niên 70 thế kỷ trước, ngành văn hóa đã cử nhiều cán bộ tâm huyết mang cả máy ghi âm về các làng quan họ ở Bắc Ninh, Bắc Giang sưu tầm giọng hát mộc của các nghệ nhân. Hiện nay, đã có tới nghìn bài. Gần 300 bài đã được ghi trên nốt nhạc, tiện cho việc phổ biến, biểu diễn... Nhiều bài báo và sách nghiên cứu về quan họ đã được ấn hành. Nhưng nỗi lo lại sinh ra từ lợi thế này. Ấy là sự hình thành và ngày càng phát triển những thể thức hát và thưởng thức quan họ xa dần thú chơi truyền thống. Phải là những nghệ nhân, nghệ sĩ sinh trưởng và hành nghề từ các nôi quan họ của Kinh Bắc, thấm đẫm trong hồn mình văn hóa ứng xử lẫn giai điệu và lời ca quan họ mới cảm nghe được những hao hụt bản sắc, những mai một thầm lặng của tinh hoa quan họ. <br>
Trong con đường từ văn hóa Kinh Bắc đến với quảng đại quần chúng như hiện nay, quan họ đã có những bước thăng trầm, những cội nguồn mà không phải ai cũng biết. Ở Bắc Ninh và Bắc Giang có nhiều làng Quan họ cổ, nhưng tam sao thất bản, mỗi nơi một khác. Như người xưa đã có câu: “Vốn xưa Quan họ Bắc Ninh / Muốn tìm tích cũ về làng Diệp Thôn”. Đây được xem là nơi Quan họ phát tích, với truyền thuyết về Thủy tổ Vua Bà đã đem Quan họ đến vùng đất này. Từ cụ ông,cụ bà cho đến những đứa trẻ,họ đều có thể trở thành những liền anh,liền chị. Từng câu Quan họ đã bám rễ vào cuộc sống của bao thế hệ con người tại đây. Tại ngôi làng này vẫn phảng phất những nét nhà cổ hiếm hoi còn xót lại giữa cuộc sống hiện đại,và những nghệ nhân này cũng hiếm hoi như thế. Họ là những kho tàng sống của vùng đất Kinh Bắc.<br>
Nghệ nhân Nguyễn Thị Bàn, năm nay đã gần 90 tuổi, nhưng mỗi khi nói chuyện về quan họ cổ, ánh mắt cụ vẫn ánh lên nét tinh anh và nét duyên thầm của người con gái xứ Kinh Bắc. Lên 4 tuổi, lúc cụ biết nói cũng là lúc cụ ê a những làn điệu quan họ cổ bên canh hát thâu đêm của bà, của mẹ. Lên 9 tuổi, cụ đã thuộc nằm lòng gần 100 bài quan họ cổ. Năm 10 tuổi, cụ được hội của bà ngoại kết nạp làm em bé cùng theo các chị đi hát giao lưu với các làng quan họ khác. Cụ đi hát cùng các liền chị được hai năm thì có lệnh tản cư. Khi tản cư về làng, bọn quan họ của bà ngoại cụ đã bị mai một. Cụ Bàn không muốn mất đi truyền thống của gia đình bởi hát quan họ đã làm cụ say mất rồi. Cụ quyết tâm gây dựng lại quan họ cổ ở làng Diềm, khi đó cụ 14 tuổi. Như một sự tri ân cho người tri kỷ, đến tháng 4/2010, cụ Bàn là một trong số 40 người được vinh danh là Nghệ nhân Dân ca quan họ Bắc Ninh.
<table align="center" border="1" cellpadding="1" cellspacing="1" style="width: 500px;">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center;"><strong><span style="">Nghệ nhân Nguuyễn Thị Bàn (Ảnh: Dantri.com.vn)</span></strong></td>
</tr>
</tbody>
</table>
<br>
Cụ Bàn tâm sự: "Quan họ biểu diễn bây giờ cũng hay, cũng đặc sắc đấy nhưng tôi vẫn thích cái chất của quan họ cổ. Liền anh liền chị quan họ xưa ý nhị trong từng lời ăn tiếng nói. Người ta bảo người quan họ ăn nửa miếng nói nửa nhời cũng không phải là nói quá. Tôi cũng vì quý cái lịch sự, khiêm tốn, dịu dàng mà mải mê chơi quan họ cho đến bây giờ. Cả đời tôi chơi quan họ cổ, giờ gần đất xa trời chỉ mong sao gìn giữ được cái cổ này cho đến muôn đời là tôi thấy lòng mãn nguyện rồi".<br>
Nói về lối hát và lối học quan họ cổ, cụ trầm ngâm: Không có sách vở và cũng khó có ký âm theo cách của những người học nhạc thời nay, người hát Quan họ cổ chỉ có một cách học là truyền khẩu và kiên trì luyện từng từ,từng câu cho đến khi thành thạo. Có những câu chỉ có 3,4 chữ nhưng nhiều luyến láy, nhả âm nên phải học đi học lại.<br>
Hai đứa cháu của cụ cũng say mê quan họ, mặc dù vậy để truyền đạt cho những đứa trẻ này, cụ phải hết sức kiên nhẫn bởi quan họ cổ không dễ dàng học được.<br>
Đặc biệt hơn, ngôi nhà cụ Bàn đang sống cũng là nơi tụ họp của các “tao nhân mặc khách”, những người yêu quan họ cổ, từ làng trên xóm dưới, xum hội về đây trong mỗi canh hát.<br>
Trong canh hát thâu đêm đối đáp giữa các liền anh liền chị quyện trong chất giọng điêu luyện, vửa mẩy, vừa dày dặn cất lên trong tĩnh mịch của đêm. Không nhạc đệm, chỉ có giọng hát với sự “đùa giỡn” của thanh âm, từ kỹ thuật lấy hơi, nhả chữ, nảy hạt… Cặp này ra câu trước thì cặp kia tiếp câu trả lời. Từ điệu La rằng đến Kim Loan, xong lại qua gió mát rồi chuyển đến điệu tình tang, điệu cây gạo. Hát hết năm điệu chính thì canh hát lại nối nhau không ngừng đến những bài giọng vặt, không ai muốn thua kém, nên hàng trăm câu hát kéo dài cuộc vui hết cả ngày, thậm chí kéo dài đến nhiều ngày sau đó. Những canh hát như vậy cũng không còn gặp thường xuyên tại các làng quan họ như xưa, nên với những người hát quan họ lâu năm, thì đây cũng là một không gian âm nhạc không mới lạ nhưng còn quá nhiều điều để khám phá.<br>
Trong những canh hát hiếm hoi như vậy, ngoài liền anh, liền chị tóc đã pha sương, còn có những cậu bé, cô bé đam mê loại hình âm nhạc dân tộc này. Họ tìm đến những canh hát này, say mê hưởng thụ nó, bởi họ biết Quan họ cổ có những điều khác xa mọi trang giáo án tại trường lớp. Là một trong những bạn trẻ đam mê âm nhạc truyền thống, đặc biệt là quan họ cổ, bạn Hoàng Văn Dũng, sinh viên trường Học viện Âm nhạc quốc gia chia sẻ: . “Khi vào trường cũng được đào tạo nốt nhạc, được học nhạc lý xướng âm, bởi vậy em đã cũng quen hát theo phong cách có nhạc. Nhưng khi tiếp xúc với các nghệ nhân, được các cụ truyền lại những câu hát rất cổ, mới đầu cũng cảm thấy lạ tai, rất khó học và gần như là không có căn cứ để mình ghi trên giấy vở theo bài bản như trong nhà trường”.
<table align="center" border="1" cellpadding="1" cellspacing="1" style="width: 500px;">
<tbody>
<tr>
<td></td>
</tr>
<tr>
<td style="text-align: center;"><strong><span style="">Liền anh, liền chị trong những canh hát thâu đêm (Ảnh: Internet)</span></strong></td>
</tr>
</tbody>
</table>

<div style="text-align: center;"> </div>
Khác với Quan họ mới thường được biết đến ngày nay, lối hát cổ không có nhạc đệm, cũng là những màn đối đáp nhịp nhàng được các nghệ nhân hát bộ nhưng lắm lối, nhiều đường, trúc trắc, láy lắt liên tục sao cho đạt được tiêu chuẩn của 4 yếu tố: vang , rền, nền, nảy. Theo nhạc sĩ Đức Miêng: Khó nhất là yếu tố “nảy”. Nảy phải xuất phát từ nhu cầu tình cảm của cuộc sống, xuất phát từ tình cảm khi giao lưu tiếng hát. Âm thanh nó gần như ngắt trong cổ họng và vo tròn lại trước khi bật ra thành lời.<br>
Ở làng Diềm này, tuổi thơ của những đứa trẻ được bao bọc trong một bầu không gian đặc biệt. Cũng giống như bà Bàn, những người đang cố gắng lưu giữ lại nét riêng của quan họ cổ, họ tin rằng, lớp trẻ ấy sẽ giữ gìn cho loại hình nghệ thuật quê hương được trường tồn. Bởi lẽ dường như đây là thứ âm nhạc ngấm dần, ngấm từ từ theo thời gian, ngấm vào nếp sống, vào tâm tưởng của từng người ngay từ khi còn thơ bé.<br>
Giữa bốn bề thinh không của làng quê kinh bắc, vẫn văng vẳng ngân vang lời ca tiếng hát từ các làng quê quan họ, nơi mà ngọn lửa đam mê và mạch nguồn cảm hứng vẫn được tiếp truyền bởi từng chữ từng câu đang vang vọng về trong tích xưa tiên tổ.<br>
<span style="">TD</span><br>
</div>

Theo cinet.vn