Tranh dân gian là một phần không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về...



(Cinet)- Trong tất cả các loại tranh tết Việt Nam, có lẽ đa dạng và độc đáo nhất là tranh dân gian. Đây là loại tranh trường tồn cùng lịch sử, không trau truốt cầu kỳ như các loại tranh khác mà mang đậm tính dân tộc.

Tranh dân gian được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, nhưng có điểm giống nhau là đều đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. Nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là mỗi khi tết đến xuân về.

Tranh Tết dân gian rất đa dạng về thể loại như tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh... Đã là tranh treo Tết thì bao giờ cũng mang một nội dung là cầu chúc cho những gì tốt đẹp. Tranh Tết là thông điệp, gửi lời cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý.

Theo các tài liệu còn ghi chép lại, trên cả nước có nhiều làng làm tranh truyền thống, nhiều dòng tranh dân gian khác nhau, nhưng lâu đời và nổi tiếng hơn cả vẫn là tranh Đông Hồ (Hà Bắc cũ), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh Kim Hoàng (Hà Tây), tranh Nam Hoành (Nghệ An), tranh làng Sình (Huế).

Trong đó nổi bật nhất có lẽ là làng tranh Đông Hồ, nằm ở ven sông Đuống. Tranh được làm từ giấy dó, quét phủ một lớp điệp óng ánh làm cho màu in thêm rực rỡ. Từ thời xa xưa, tranh dân gian Đông Hồ đã nổi tiếng là rẻ và đẹp, được nhiều nơi ưa thích.





[IMG]/userfiles/image/2016/1(3).jpg[/IMG]


...thay lời chúc cho một năm mới vạn sự như ý





Dịp Tết Nguyên Đán, người dân nông thôn mua tranh về dán trên tường, hết năm lại lột bỏ, dùng tranh mới. Thời kì cực thịnh của làng tranh là vào khoảng cuối thế kỉ 19 đến những năm 40 của thế kỉ 20. Lúc ấy, trong làng có 17 dòng họ thì tất cả đều làm tranh. Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng 7, tháng 8 hàng năm là cả làng đã tất bật để chuẩn bị cho mùa tranh Tết, khắp làng rực rỡ sắc màu của giấy điệp, không một mảnh đất trống nào không được người dân làng Hồ tận dụng để phơi giấy: từ sân nhà, sân đình, ven các ngõ xóm, đường làng, dọc theo triền đê cho đến các nóc nhà, nóc bếp….








[IMG]/userfiles/image/2016/2(1).jpg[/IMG]





Ở phố Hàng Trống (Hà Nội) cũng có nhiều người làm tranh dân gian, nhưng chủ yếu là vẽ tranh thờ (hổ, rồng, thần, thánh...). Họ làm bằng kỹ thuật kết hợp đường nét in đen từ bàn khắc gỗ với việc tô màu phẩm bằng tay. Nghệ sỹ vẽ tranh dùng bút màu quét phẩm nước, tạo nên những gam màu đậm nhạt lung linh.

Mỗi bức tranh dân gian đều mang một ý nghĩa nhân sinh riêng, biểu hiện nhiều góc độ tâm trạng của con người. Dễ thấy nhất là tranh vẽ đàn gà, tượng trưng cho tình mẫu tử và sự sum họp đông vui. Tranh mẹ con đàn lợn tượng trưng cho cuộc sống no ấm và cảnh chăn nuôi ở nhà nông.











Tranh gà trống sặc sỡ và oai vệ, tượng trưng cho ý chí kiên trung, bất khuất của trang nam nhi quân tử và cũng thể hiện cho 5 đức tính quý của con người: văn (vẻ đẹp – mào gà); vũ (cứng rắn – cựa gà); nhân (lòng thương yêu đồng loại – khi kiếm được mồi luôn gọi đàn đến cùng ăn); dũng (sức mạnh – gặp kẻ thù thì kiên quyết chống lại); tín (hàng ngày báo giờ rất đúng). Tranh gà đẹp và ý nghĩa như thế, nên nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã viết trong bài thơ Chợ tết: “Lũ trẻ còn mải ngắm bức tranh gà/ Quên cả chị bên đường đang đứng gọi”…

Tranh dân gian cũng đã có số lượng khá nhiều về đề tài lịch sử như bà Trưng Trắc cưỡi voi xung trận, Ngô Quyền đánh Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận... Đó là những bức tranh tạo nên sự hùng tráng và niềm tự hào dân tộc. Ngoài ra, có những bức tranh được đặc biệt yêu thích như tranh Phú quý (đứa bé tóc trái đào giữ con vật), Vinh hoa (cậu bé ôm con gà trống), Thất đồng (7 cậu bé hồn nhiên hái quả), Tứ tôn vạn đại (4 cậu bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)...








Và thú chơi tranh dân gian ngày tết sẽ mãi còn trường tồn trong dòng chảy văn hóa VIệt





Tuy nhiên, dù là dòng tranh dân gian nào cũng có một điểm chung là đều mang ý nghĩa chúc tụng, thể hiện ước vọng, mong chờ ở một năm mới sắp đến. Vì thế, khi mỗi bức tranh Tết của năm cũ được gỡ xuống, tranh mới được treo lên là nhằm hàm ý “Tống cựu, nghinh tân”, hy vọng đón bình an, vinh hoa, phú quý về nhà.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, thú chơi tranh Tết dường như bị quên lãng. Chỉ những người thật sự yêu dòng tranh dân tộc này còn giữ cái thú của tranh. Ngày nay khi đời sống đã khấm khá hơn, dân trí được nâng cao hơn thì cái thú chơi tranh ngày Tết lại bắt đầu trở lại. Một mùa xuân mới lại về, nhà nhà, người người đang chuẩn bị sửa sang nhà cửa đón Tết. Những tờ lịch mới đã được treo lên, nhiều người lo đi xin chữ, chọn tranh để treo. Có lẽ nhiều năm sau nữa cái thú chơi tranh ngày Tết tao nhã này vẫn còn tồn tại cùng với người Việt, dân tộc Việt.

CN (Tổng hợp)

(Ảnh minh họa/Nguồn: internet)



Theo cinet.vn