Phong tục đón Tết của người miền Nam (Ảnh: Internet)



(Cinet)- Tết ở Nam bộ cơ bản vẫn còn nguyên bản nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Những phong tục bình dị ấy là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện tính cách điển hình người dân ở phương Nam.

Tết của người dân phương Nam (gồm các tỉnh phía Nam Trung bộ, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ) được bắt đầu tính từ lễ cúng ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Khác với miền Bắc, Tết Táo Quân trong Nam không có tục trút lư nhang để thay cọng nhang, không mua cá chép thả trong chậu rồi thả sông, không hóa vàng áo mũ thờ, vì không thờ áo mũ. Một số nơi còn nấu thêm chè xôi hoặc nếu không thì chỉ là mâm trái cây đơn giản. Nhà nghiên cứu văn hoá Đoàn Trọng Huy cho rằng: “Đối với người phương Nam, ngày đưa ông Táo về trời cũng là ngày cúng các món ăn, trong đó không thể thiếu được món chè đặc trưng nhất là món chè trôi nước. Từ cái tên món chè đã thể hiện mong muốn mọi việc sẽ trôi chảy, thuận lợi. Ông Táo lên trình bày với Ngọc Hoàng phải nói ngon, nói ngọt, thể hiện mong ước của người dân để mọi việc trong năm mới tốt hơn, thuận lợi và suôn sẻ hơn”.

Đối với người Nam bộ, Tết trước hết là cho Tổ tiên, ông bà, cho những người đã khuất, rồi mới đến niềm vui cho những người đang sống. Chính vì thế, trước Tết, nhiều gia đình đi tảo mộ, dọn dẹp trang trí lại phần mộ của người đã khuất để đón Tổ tiên, ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Từ sáng sớm ngày 30 Tết, mọi thành viên trong gia đình đều tập trung sắm sửa, chuẩn bị cho ngày Tết. Đàn bà, con gái lo chuẩn bị các món ăn cho mâm cơm ngày Tết. Đàn ông, con trai thì chuẩn bị đồ thờ cúng.

Trên bàn thờ tổ tiên ngày Tết, ngoài cành mai còn có mâm ngũ quả. Người dân Nam Bộ bao đời nay có quan niệm rất đơn giản khi bày biện mâm ngũ quả vì họ cho rằng: “quả” có nghĩa là thành quả lao động suốt năm, cho nên chọn năm loại trái cây, biểu trưng công sức của con cháu dâng lên tổ tiên và đất, trời với lời cầu chúc: “ngũ cốc phong thu” mang lại may mắn, tài lộc. Mâm ngũ quả ngày Tết Nam Bộ thường là năm loại cây trái: “mãng cầu, trái sung, dừa, đu đủ, xoài”, nói lên ý nghĩa: “cầu – sung – vừa (dừa) – đủ – xài”.

Cùng với mâm ngũ quả được bày biện đẹp mắt, mâm cơm ngày tết cũng thể hiện tấm lòng tri ân với tổ tiên và nét tài khéo của phụ nữ Nam bộ. Dù mâm cao cỗ đầy nhưng trong thực đơn không thể thiếu nồi thịt kho tàu (thịt kho trứng) với miếng thịt vuông, quả trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, sự vuông tròn cho cả năm và chiếc bánh làm bằng gạo nếp, nhân thịt và đậu xanh. Miền Bắc, loại bánh này gói vuông gọi là bánh Chưng, miền Nam có bánh Tét. Bánh Tét miền Nam có hình ống dài, có nơi gọi là bánh đòn. Bánh Tét biểu trưng cho sức sống, sự trường tồn, sự hùng mạnh. Miền Bắc ăn kèm với bánh chưng là món dưa hành chua chua, cay nhẹ. Còn miền Nam, ăn kèm với bánh tét là món dưa giá, kiệu muối chua, dưa góp.









Bánh tét và mâm ngũ quả miền Nam (Ảnh:Internet)





Một nét độc đáo của người dân Nam Bộ vào mỗi dịp Tết mà du khách gần xa đều rất thích đó là chợ hoa xuân – đặc trưng sinh hoạt Tết cổ truyền của người dân Nam Bộ.

Thường tới cuối tháng 12, chợ hoa xuân ở các địa phương mới đồng loạt khai trương. Chợ hoa xuân ngoài ý nghĩa như dấu hiệu đặc thù của mùa xuân Nam Bộ, còn là thú chơi tao nhã thể hiện cốt cách lãng mạn của những người dân Nam Bộ. Nếu hoa đào tượng trương cho sắc xuân miền bắc, thì mai vàng rực rỡ lại tượng trưng cho sự giàu sang phú quý và niềm hân hoan chờ đón Tết của người miền Nam.

Người dân Nam Bộ quan niệm, hoa mai đồng nghĩa với sự may mắn. Những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, nhà nào cũng có hương sắc mai vàng trưng trong nhà. Một cành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm là niềm vui lớn cho cả nhà, báo hiệu điều tốt lành cho cả năm. Mai vàng có mặt ở chợ hoa xuân có mai cành và mai gốc. Những cành mai được tỉa từ những gốc mai lớn: dày nụ, ít búp, sum suê cành nhánh. Mai gốc phần lớn là những cây mai ghép, được trồng trong những chậu kiểng và uốn tỉa rất công phu. Những chậu mai ghép khi trổ bông cho những bông hoa nhiều cánh và đa sắc: vàng, lục, cam, trắng.






Người dân miền Nam quan niệm, một cành mai nở hoa vàng rực vào những ngày đầu năm là niềm vui lớn cho cả nhà, báo hiệu điều tốt lành cho cả năm. (Ảnh: Internet)





Xưa kia nhiều gia đình ở vùng đất Nam bộ cứ đến Tết thì dựng cây nêu và nấu chè. Nêu là một cây tre hay cây tầm vông dài khoảng 5-6 mét. Ở ngọn thường treo nhiều thứ tùy theo từng địa phương như giấy vàng bạc, bùa trừ tà, cành xương rồng, bầu hồ lô rượu, hình cá chép bằng giấy, đôi khi người ta còn cho treo lủng lẳng những chiếc khánh nhỏ bằng đất nung,…Người ta tin rằng những vật treo ở cây nêu, cộng thêm những tiếng động của những khánh đất, là để báo hiệu cho ma quỷ biết rằng nơi đây là nhà có chủ, không được tới quấy nhiễu… Vào buổi tối, người ta treo một lồng đèn ở cây nêu để tổ tiên biết đường mà về nhà ăn Tết với con cháu. Vào đêm trừ tịch, cũng như ngày mùng một Tết, người ta còn cho đốt pháo ở cây nêu để mừng tổ tiên về ăn Tết, mừng năm mới tới, xua đuổi ma quỷ hoặc những điều không may. Cho dù ngày nay đã ít nhà còn dựng cây nêu nhưng tục lệ này vẫn sống trong ký ức của bao người.

Bên cạnh những tập tục trên, người dân Nam Bộ xưa có có phong tục kiêng kỵ vào dịp Tết. Chẳng hạn như, sáng mùng Một, ngoài đường trước ngõ tĩnh lặng. Cãi cọ, động dao thớt, quét nhà… là những điều cấm kỵ. Không được mở cửa cho tới khi có người xông đất.Trong nhà thì ngược lại, đám trẻ lăng xăng diện áo mới chờ chúc Tết ông bà cha mẹ để được lì xì, rồi xúm xít ăn bánh tét, dưa món, chơi lô tô, bầu cua cá cọp…Quý nhân đến xông đất đầu tiên thể hiện niềm may mắn hay xui xẻo cho gia chủ trong suốt năm, vì vậy ít ai ra khỏi nhà sớm mùng Một, trừ khi được mời.

Theo năm tháng, những phong tục cổ truyền của người Nam Bộ vào dịp Tết giờ có lẽ cũng dần dần được đơn giản hơn cho phù hợp với cuộc sống hiện đại, xong Tết ở Nam bộ cơ bản vẫn còn nguyên bản nét văn hoá truyền thống của người Việt Nam. Những phong tục bình dị ấy là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, thể hiện tính cách điển hình người dân ở phương Nam, bình dị, dân giã, trọng nghĩa tình.

CN



Theo cinet.vn