(TITC) Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, du khách thập phương lại hành hương về miền đất Phật để tâm hồn thư thái nơi chốn linh thiêng, và cầu mong sự bình an, sung túc cho một năm mới. Yên Tử, chùa Hương và chùa Bái Đính là điểm khởi đầu lý tưởng cho những chuyến hành hương.



“Trăm năm tích đức tu hành, chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu” – câu nói thôi thúc người tu hành đạo Phật quyết tâm lên được đỉnh Yên Tử để trở thành người mộ đạo chân chính.



Núi thiêng Yên Tử (xã Phương Đông và Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) là nơi kết tinh linh khí trời đất nên có khí hậu trong lành, thanh khiết cùng những con suối trong vắt, lững lờ uốn quanh rừng trúc, rừng tùng xanh bạt ngàn. Xa xa thấp thoáng là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính. Để thử thách bản thân và chứng tỏ lòng thành tâm, du khách có thể chọn cách đi bộ để lên chùa Đồng, ngôi chùa được đúc hoàn toàn bằng 70 tấn đồng nguyên chất nằm trên đỉnh Yên Tử ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển. Chùa đã được Tổ chức kỷ lục châu Á công nhận là ngôi chùa bằng đồng lớn nhất châu Á.










Chùa Đồng – Yên Tử





Vượt qua từng bậc thang của con đường dài 6.000m nơi có những hàng tùng thơ mộng, có suối Giải Oan, am Hòn Ngọc, chùa Hoa Yên, chùa Vân Tiêu, Tháp Tổ, chùa An Tự, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá An Kỳ Sinh, am Ngọa Vân và cuối cùng là chùa Đồng sẽ là thách thức lớn với du khách trên hành trình đến gần hơn với đất Phật.



Hàng năm, du khách thập phương lại tấp nập trẩy hội Yên Tử kéo dài 3 tháng (từ mùng 10 tháng Giêng âm lịch đến mùng 10 tháng Tư âm lịch). Du khách đã đến Yên Tử và nhất là lên được chùa Đồng đều không khỏi choáng ngợp trước sự kỳ vĩ của thiên nhiên, cùng những giá trị tinh thần, văn hóa vô giá mà tổ tiên để lại.



Nếu Yên Tử là một cuộc hành trình leo núi thì khi đến chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) du khách có thể kết hợp đi thuyền và đi bộ để đến với đất Phật linh thiêng. Cứ từ mùng 6 tháng Giêng đến rằm tháng Ba âm lịch hàng năm, lễ hội chùa Hương lại được tổ chức, thu hút đông đảo du khách thập phương tham gia trẩy hội.



Chùa Hương là một quần thể di tích bao gồm nhiều chùa, núi non, hang động và dòng suối Yến mộng mơ. Vãn cảnh chùa Hương, du khách có thể lựa chọn đi bằng đường bộ hoặc đường thuỷ mà bến Đục là điểm xuất phát của cuộc hành trình. Từ bến Đục, du khách chọn đường bộ sẽ đi xuyên qua rừng mơ (theo con đường mòn các tiều phu thường vào rừng lấy củi, hái thuốc) để được hoà mình trong cảnh đẹp của núi rừng. Còn du khách chọn đường thuỷ sẽ ngồi thuyền xuôi dòng suối Yến thơ mộng, thư thái thả hồn cùng thiên nhiên, ngắm cảnh đẹp hai bên bờ suối với những ngọn núi ẩn hiện sau làn sương mỏng nhẹ. Mỗi ngọn núi lại được đặt một tên riêng theo hình dáng như: núi Ngũ Nhạc có hình năm quả chuông, núi Đụn giống đụn thóc, núi Quy hình con rùa, núi Đổi Chèo giống hình một con trăn lớn đang bò trên mặt nước…









Chùa Hương





Con thuyền sẽ đưa du khách lần lượt đến với đền Trình, chùa Thanh Sơn, động Hương Đài, và cuối cùng là chùa Thiên Trù. Từ chùa Thiên Trù, theo những bậc thang lên cao, du khách sẽ đến với chùa Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và cao nhất là động Hương Tích (còn gọi là chùa Trong). Bên cạnh những nhũ đá muôn hình muôn dạng, động Hương Tích còn có các công trình điêu khắc nhân tạo mà giá trị nhất là pho tượng Phật Bà Quan Thế Âm bằng đá xanh được tạc vào thời Tây Sơn (1786 – 1802). Hương Tích là động đẹp nổi tiếng đã được chúa Trịnh Sâm (1767 – 1782) phong là: “Nam Thiên đệ nhất động”. Mặc dù hiện nay đã có cáp treo lên động nhưng nhiều du khách vẫn chọn cách đi bộ để thể hiện lòng thành với đức Phật.



Chuyến du xuân đất Phật đầu năm không thể trọn vẹn nếu du khách chưa đến với chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Được công nhận là chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, quần thể chùa Bái Đính có tổng diện tích khoảng 107ha, bao gồm 27ha khu chùa Bái Đính cổ và 80ha khu chùa Bái Đính mới.



Khu chùa Bái Đính mới được xây dựng năm 2003, gồm 5 cấp theo đường chính đạo là: Tam quan nội, tháp chuông, điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, điện thờ Pháp Chủ và trên cùng là tòa Tam Thế.



Qua chùa Bái Đính mới, theo con đường mòn nhỏ lên núi Bái Đính du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi chùa Bái Đính cổ ở độ cao gần 200m so với mặt nước biển. Đây là khu chùa cổ bao gồm: nhà tiền đường, hang sáng thờ Phật, đền thờ thần Cao Sơn, đền thờ Thánh Nguyễn, hang tối thờ Bà chúa Thượng Ngàn. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1997.










Chùa Bái Đính






Hàng năm, lễ hội chùa Bái Đính lại được tổ chức từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến ngày mùng 6 tháng Tư âm lịch. Đây là dịp để du khách thập phương dâng hương tỏ lòng thành kính với đức Phật và chiêm ngưỡng ngôi chùa được mệnh danh là ngôi chùa của những kỷ lục. Hiện chùa đã có 6 kỷ lục được công nhận là: Sáu tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á (tượng Phật Tổ Như Lai 100 tấn, tượng Phật Di Lặc 100 tấn, tượng Phật Bà Quan Thế Âm Bồ Tát 90 tấn, 3 pho tượng Tam Thế 50 tấn), hai chuông đồng lớn nhất Đông Nam Á (36 tấn và 27 tấn), khu chùa lớn nhất Việt Nam (107ha), khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 tượng), khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam (đường kính giếng là 30m), khu chùa có số lượng cây bồ đề lớn nhất Việt Nam (100 cây).



Đến với Yên Tử, chùa Hương và chùa Bái Đính vào những ngày đầu năm mới, du khách không chỉ được dâng hương tới đức Phật để cầu an lành, hạnh phúc, mà còn có dịp chiêm ngưỡng thiên nhiên tươi đẹp, hít thở bầu không khí trong lành, trút đi mọi ưu phiền, mệt mỏi của cuộc sống thường ngày./.

Khánh Hòa


Theo vietnamtourism.com