(TITC) - Trong những ngày tháng 5 lịch sử, hòa chung không khí phấn khởi kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 – 2014), đồng bào cả nước lại nô nức đến Điện Biên để thăm những di tích gắn liền với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Các di tích này đến nay vẫn được gìn giữ như một trang sử chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc, được nhân dân cả nước tự hào và bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.





Đồi A1

Điểm nhấn quan trọng trong quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ chính là đồi A1nằm ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ. Tại đây, quân Pháp đã bố trí công sự kiên cố, vững chắc với vũ khí tối tân, hiện đại. Trận tiến công cứ điểm đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Qua 39 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, sáng 7/5/1954, quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, mở đường cho đợt tổng công kích cuối cùng vào sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của thực dân Pháp để giành thắng lợi hoàn toàn. Cùng với đồi A1, các đồi C1, C2, D1, D3, E1 cũng chứng kiến nhiều trận đánh quyết liệt của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Được coi là nơi trọng yếu có nhiệm vụ bảo vệ khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, án ngữ con đường huyết mạch từ Tuần Giáo vào Điện Biên, cứ điểm Him Lam (phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ) nằm cách trung tâm Mường Thanh 2,5km được thực dân Pháp xây dựng nhằm ngăn chặn hướng tấn công của quân đội ta từ phía đông bắc. Cụm cứ điểm này được mệnh danh là “Cánh cửa thép”, “Pháo đài bất khả xâm phạm”. Cứ điểm Him Lam bị Quân đội nhân dân Việt Nam tiêu diệt trong trận mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954) và đây cũng là nơi ghi dấu tấm gương hy sinh anh dũng của liệt sỹ Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.

Cùng với cứ điểm Him Lam, cứ điểm Hồng Cúm (phường Hồng Cúm, thành phố Điện Biên Phủ) giữ vai trò quan trọng, vừa bảo vệ hướng nam vừa chi viện cho phân khu trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồng thời giữ đường liên lạc với Thượng Lào. Với quân số lớn, trang bị hiện đại và cách bố trí binh lực theo một hệ thống liên hoàn, cứ điểm Hồng Cúm thực sự là một lá chắn thép ở phía nam của Tập đoàn cứ điểm.

Nằm ở phân khu bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi Độc Lập (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) án ngữ con đường Lai Châu - Điện Biên, có nhiệm vụ ngăn chặn đường tấn công của bộ đội ta từ hướng bắc vào và bảo vệ sân bay Mường Thanh. Tại đây đã diễn ra trận chiến đấu quyết liệt mở đường cho quân ta tiến sâu vào trung tâm sở chỉ huy của địch vào hồi 17h ngày 17/3/1954.



Hầm Đờ Cát

Cách đồi A1 khoảng 700m về phía đông là hầm Đờ Cát. Hầm dài 20m, rộng 8m, bao gồm 4 gian được xây dựng hết sức kiên cố với vòm sắt, ván gỗ, bao cát, hàng rào dây thép gai dày đặc. Tại căn hầm này, tướng Đờ Cát đã tiếp đón nhiều quan chức cấp cao cũng như các nhà báo nổi tiếng. Vào lúc 17h30 ngày 7/5/1954, Tạ Quốc Luật, chỉ huy trưởng đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 đã bắt sống tướng Đờ Cát tại bàn làm việc. Và cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Đến Điện Biên, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủcủa quân đội ta nằm trong khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ 25km về phía đông. Tại đây, du khách sẽ thấy lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đường hầm nối lán làm việc của Đại tướng và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái. Đường hầm dài 69m, đào xuyên qua đồi để tránh bom, đạn, pháo. Những bậc tam cấp dẫn lên lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp nay đã phủ rêu phong của thời gian nhưng vẫn còn đó bóng dáng người chỉ huy tài ba, lỗi lạc một thời.



Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong quần thể di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ còn có các di tích quan trọng như: sân bay Mường Thanhnằm ở vị trí trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nay được cải tạo, nâng cấp thành Cảng hàng không quốc tế Điện Biên Phủ; cầu Mường Thanh - cây cầu dã chiến bắc qua sông Nậm Rốm, do người Pháp xây dựng sau khi nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ; tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ nằm trên đồi D1 - biểu tượng cho tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam; bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ - nơi lưu giữ, trưng bày hơn 1000 hiện vật, tranh, ảnh tư liệu… liên quan đến chiến dịch Điện Biên Phủ…



Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điện Biên hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới nhưng những chiến công hiển hách cùng sự hi sinh anh dũng của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước. Hãy một lần đến với Điện Biên để hồi tưởng và tri ân những con người đã làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc, để yêu hơn đất nước, con người Việt Nam bất khuất, kiên cường.

Bài: Phạm Phương; ảnh: Huy Hoàng


Theo vietnamtourism.com