Nằm giữa con đường nối hai di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn - Hội An, cách Đà Nẵng 25 km về phía Nam, Không gian nhà Việt Nam (xã Điện Minh, Điện Bàn, Quảng Nam) mang nét cổ kính độc đáo…











Được khởi công xây dựng từ tháng tư năm 2004 và hoàn thành vào tháng 12 năm 2012, nhân dịp Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V ngày 22/06/2013, Không gian nhà Việt Nam chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng.

Đó là quần thể kiến trúc bao gồm 18 nếp nhà của người Việt với 15 công trình được phục dựng nguyên vẹn trong không gian thơ mộng, êm đềm. Công trình Không gian nhà Việt Nam được xây dựng trên diện tích đất gần 10.000 m2, trong đó tổng diện tích sàn xây dựng gần 3.400 m2 với mật độ xây dựng 40%, diện tích còn lại dành cho không gian cây xanh lên đến 4.050 m2 với vô số cây cảnh, cây ăn trái miền nhiệt đới. Đây còn là nơi lưu giữ hơn 2000 hiện vật lâu đời mang đậm văn hóa nghệ thuật. Nhiều ngôi nhà cổ với 108 cột có niên đại trên 200 năm tuổi, mang nét đặc trưng của miền quê xứ Quảng, đẹp dân dã, gần gũi thân thương của cuộc sống thường ngày, gợi nhớ về nếp xưa.

Gây ấn tượng đầu tiên với du khách là hàng cột trụ biểu bằng gỗ được thiết kế cách điệu nằm phía trước cổng vào thể hiện giá trị vững chắc của không gian truyền thống Việt. Dẫn vào Không gian nhà Việt Nam với ba lối đi chính theo ba kiểu kiến trúc riêng biệt: Cổng chính Môn được bố trí theo kiểu “trước cau sau chuối” mang một chút tình quê hồn hậu, chút bình yên, gần gũi của khung cảnh nhà vườn miền Trung, tạo cảm giác ấm áp nồng đượm của làng quê đất Quảng, chỉ mở cửa đón khách ở những dịp lễ hội, sự kiện lớn… thể hiện sự trân trọng và tôn kính.

Cổng Đông Bình Môn được mô phỏng và thiết kế cách điệu từ cổng của khu phố người Việt xưa như phố Hội An, phố Bắc Bộ hay còn được gọi là “cổng phố”. Đây là lối đi dành cho tất cả các du khách. Với hai hàng trúc vàng hai bên - loài cây tượng trưng cho khí tiết của người quân tử, sẵn lòng đón chào bạn tri kỷ, tri âm, chạy dài thẳng tắp, tạo nên ngõ trúc đưa du khách bước vào khám phá không gian bên trong.

Cửa Tây Bình Môn được thiết kế theo mô típ của cổng tam quan, loại cổng thường xuất hiện trước những ngôi nhà quyền quý hoặc ở chốn tôn nghiêm như ở từ đường, đình chùa miếu mạo… dùng để tiếp đón quý du khách khi đến thăm quan và viếng thăm nhà thờ tổ. Chất liệu, mô hình thiết kế, hoa văn họa tiết trang trí mô phỏng kiểu nhà rường Quảng Nam được phục dựng để làm cổng riêng dẫn vào ngôi nhà thờ tổ.

Sau nhiều năm sưu tầm và phục dựng nhà cổ, đến nay Không gian nhà Việt Nam đã trở thành bảo tàng duy nhất về không gian kiến trúc và hiện vật cổ tại Việt Nam. Nơi đây được quần tụ các công trình kiến trúc độc đáo của ba miền, được xem như một di sản văn hóa quý báu của dân tộc Việt. Đơn cử ngôi nhà tam gian tứ hạ có niên đại 200 năm tuổi. Theo kết quả điều tra (2001) của Trung tâm Bảo tồn di sản di tích Quảng Nam và Đại học Nihon, Đại học nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) khẳng định đây là kiến trúc nhà ở cổ truyền lớn nhất Quảng Nam.

Nhà tranh phên vách đất đặc trưng của miền quê Quảng Nam cũng là một công trình kiến trúc độc đáo. Ngôi nhà có niên đại 102 năm tuổi được phục chế trở lại, xếp vào danh sách một trong ba nếp nhà còn lại ở Quảng Nam, bên trong trưng bày nhiều nông cụ như thúng, bồ, cối xay, cối giã, giường tre...

Góp thêm vào bộ sưu tập nhà Việt Nam này là bộ ba kiến trúc nhà nón được thiết kế rất độc đáo. Bộ ba công trình nhà hình chiếc nón được lấy cảm hứng thiết kế từ hình ảnh chiếc nón lá bình dị, mộc mạc gắn liền với hình ảnh làng quê Việt Nam, mang vẻ đẹp đặc trưng cho văn hóa của người Việt, thấm đẫm hồn dân tộc.

Sự đa dạng, phong phú trong kiểu dáng kiến trúc mỗi ngôi nhà thể hiện tính cách, thói quen, tư duy và văn hóa sống vùng miền của người Việt xưa, là minh chứng sinh động nhất cho các thời kỳ lịch sử của dân dộc, mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể nói, đây là một tổ hợp bảo tàng kiến trúc nhà Việt độc nhất ở Việt Nam. Du khách sẽ được tận mắt chiêm ngưỡng và tìm hiểu sư phong phú trong kiến trúc nhà cổ ở Việt Nam, qua đó thể hiện sự quý trọng những sáng tạo có giá trị của cha ông để lại.

Đến Không gian nhà Việt Nam, du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, trở về với hoài niệm xưa, để tâm hồn được thanh tịnh, thêm yêu cuộc sống này. Và hơn hết là thêm yêu mến vẻ chân chất, hiền hậu của con người xứ Quảng, khiến ai một lần đặt chân tới đây đều lưu luyến không quên…


Theo vietnamtourism.com