Đường vào Hồng Ngài phải trèo đèo, lội suối và đi qua xã Y Tý, huyện Bát Xát. Theo tiếng của người Mông, Hồng Ngài nghĩa là Đá đỏ. Muốn vào nơi tận cùng của mảnh đất Lào Cai này, cách duy nhất là đi bộ.











Thung lũng Y Tý tựa như một cái lòng chảo khổng lồ trong lòng dãy núi Nhì Cồ San. Từ Y Tý chạy xuyên vào Lao Chải, Sín Chải 1 và Sín Chải 2, con đường đất đỏ dốc đứng với những ngầm nước vốn là dòng suối róc rách chảy qua. Những ngôi nhà trình tường dày và rất đẹp nằm dọc hai bên đường. Các thôn Lao Chải, Sín Chải 1 và Sín Chải 2 có khoảng từ 30 - 40 ngôi nhà trình tường, có nhà lợp rơm rạ cách đây hàng chục năm mốc mủn, nhưng nhìn vẫn rất hấp dẫn. Thôn Hồng Ngài, xã Y Tý hiện nay có 71 ngôi nhà trình tường cũng đẹp không kém.

Con đường vào Hồng Ngài đang được mở và làm đường nhưng do vị trí núi non hiểm trở nên vẫn ngổn ngang chưa hoàn thành. Con đường buộc phải đi bộ ước tính 20km cả vào và ra. Sau đoạn đường đất đầu tiên đi thẳng xuống những đoạn dốc dựng đứng của một con thác, cuối cùng cũng đến với bản đầu tiên và cũng là bản duy nhất cho đến tận khi đến được với Hồng Ngài, cách nhau gần 7km. Sau hơn bốn tiếng tấp tểnh đi bộ, những cánh đồng lúa đã nhường chỗ cho những cánh rừng bạt ngàn cây thảo quả. Đó cũng là nguồn sản vật chính của Hồng Ngài. Những mái nhà đơn sơ giản dị nơi thẳm sâu nhất của tỉnh Lào Cai nằm sát bên mép núi.

Cách xa hẳn với những bản làng trong vùng núi Y Tý, Hồng Ngài cũng có câu chuyện của riêng mình. Chuyện xưa kể lại rằng, hồi ấy, đã lâu lắm rồi, người Mông, người Dao, người Hà Nhì ở vùng núi cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, quanh năm cuốc đất làm nương, chăm lo xây dựng cuộc sống, thì một ngày mùa đông nọ, đất trời bỗng nhiên đổ rét làm nước đóng băng. Những ngôi nhà làm bằng tranh tre nứa lá không chịu nổi thời tiết khắc nghiệt kéo dài. Những người già đau yếu lăn ra chết, khắp bản khắp làng tiếng kêu khóc lan nhanh thấu đến tận trời xanh.

Giữa lúc ấy, bọn phỉ ở xứ lạ kéo đến phá phách các thôn, bản, chúng dùng máy bắn đá bắn sập hàng loạt nhà cửa của đồng bào, làm ai nấy đã rét càng thêm rét. Tiếng kêu than của con người làm Giàng (trời) cảm động, Giàng sai thần núi Hồng Ngài hiện ra, mách cho người Dao, người Mông, người Hà Nhì cách làm nhà trình tường bằng đất núi để chống lại giá rét và giặc dữ.

Từ đó, người Mông ở Hồng Ngài nằm trên vùng núi cao 1.400m biết cách làm nhà trình tường bằng đất đầu tiên. Đây là nơi có nhiều nhà trình tường nhất và đẹp nhất ở xã vùng cao Y Tý ngày nay.


Theo vietnamtourism.com