(TITC) - Nằm ở miền Tây Nam bộ, vừa có sông nước mênh mang, vừa có núi non kỳ vĩ, lại giáp biên giới Campuchia, An Giang là điểm đến thú vị với rất nhiều cảnh quan đẹp và ẩm thực độc đáo. Mùa nước nổi (từ khoảng tháng 9 đến tháng 11) là thời điểm thích hợp để du khách khám phá An Giang, miền đất Bảy Núi, nơi có rừng tràm Trà Sư với muôn loài chim nước quý hiếm, có hồ nước trời Búng Bình Thiên mênh mông sắc vàng điên điển, có chợ nổi Long Xuyên náo nhiệt đông vui, có hồ Tà Pạ trong vắt với muôn sắc nước…





Thảm bèo cám xanh mướt tại rừng tràm Trà Sư

Điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá An Giang mùa nước nổi đó là rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) - khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng tây sông Hậu. Từ thành phố Châu Đốc, rẽ trái khoảng 17km đến thị trấn Nhà Bàng (huyện Tịnh Biên), theo đường tỉnh lộ 948 đến Km số 6, tiếp tục rẽ trái đi theo một con đường nhỏ dài khoảng gần 4km, du khách sẽ đến rừng tràm Trà Sư. Với diện tích gần 850ha, rừng Trà Sư là nơi sinh sống của 140 loài thực vật; 70 loài chim, trong đó có 2 loài chim quý hiếm đã được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là giang sen và điêng điểng; 11 loài thú; 25 loài bò sát, ếch, nhái; 10 loài cá xuất hiện quanh năm và 13 loài cá chỉ xuất hiện vào mùa lũ.

Nếu đến rừng tràm Trà Sư vào sáng sớm, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng một tấm thảm màu xanh ngọc bích được kết lại từ những cánh bèo cám bé li ti sinh sôi nhanh chóng trên mặt nước. Du khách tiếp tục đi thuyền xuyên rừng để ngắm cánh rừng biếc xanh bạt ngàn mênh mông, nở đầy những bông hoa tràm trắng tinh khiết trong nắng sớm. Chiều về, khi ánh nắng bắt đầu nhạt dần thì cũng là lúc những đàn chim trú ngụ trong rừng tràm bắt đầu bay về tổ. Hàng ngàn âm thanh vui tai của tiếng đàn chim nhỏ gọi bầy, xen lẫn tiếng vỗ cánh, chao liệng trên mặt nước của những cánh chim to lớn và dạn dĩ, làm cho không gian khu rừng chợt trở nên sống động lạ thường. Sau một vòng tham quan, du khách có thể lên đài quan sát ở độ cao 120 bậc thang để ngắm nhìn toàn cảnh khu rừng.

Chiều càng xuống sâu, không gian càng bát ngát, mênh mông. Tại những chiếc lán bên bìa rừng, du khách có thể vừa thả hồn theo tiếng ca vọng cổ ngọt lịm của những cô thôn nữ vừa thưởng thức những món ăn đặc sản tươi ngon của vùng sông nước Nam Bộ như cá linh nướng, cá lóc hấp bầu, gà nướng muối ớt, cá lóc rừng cuốn lá sen nướng trui, cua đồng chấm mắm me, bông điên điển bóp giấm…,.



Hồ nước xanh trong trên đồi Tà Pạ

Rời rừng tràm Trà Sư, đi thêm khoảng 20km về phía nam, du khách sẽ đến trung tâm huyện Tri Tôn. Tiếp tục đi thêm 1km nữa, du khách sẽ gặp cổng chùa Tà Pạ (còn gọi là chùa Núi hay chùa Chưn Num theo tiếng Khmer), từ đây đi khoảng 200m tới một ngã ba, du khách rẽ phải chừng 200m nữa là tới đồi Tà Pạ (xã Núi Tô, huyện Tri Tôn). Lên đến đỉnh đồi, thu vào tầm mắt là một hồ nước xanh trong phẳng lặng nằm ẩn mình bên sườn núi, mờ ảo phía sau là dãy Cô Tô hùng vĩ. Giữa hồ là những tảng đá nhấp nhô, mang trên mình những bụi cây xanh rờn. Nước hồ ở mỗi khúc có màu sắc khác nhau, tùy vào độ nông sâu và màu của đá, có khúc màu xanh lục, có khúc màu xanh lơ, màu ngọc bích, khúc lại màu vàng, màu cam... Nước hồ trong tới mức du khách có thể nhìn thấy rõ những chú cá đang bơi lội tung tăng dưới nước. Mặt hồ phẳng lặng như gương soi bóng núi non, cây cỏ tạo nên khung cảnh trữ tình, lãng mạn tựa như bức tranh thủy mặc sống động, huyền ảo. Từ trên đồi Tà Pạ nhìn xuống, du khách cũng sẽ bị hút hồn bởi cánh đồng Tà Pạ như một tấm thảm xanh ngút ngàn màu lúa non, lác đác điểm tô bằng những ngọn thốt nốt cao vút, tạo nên bức tranh đồng quê thơ mộng mà chỉ riêng nơi này mới có.



Vẻ đẹp yên bình ở Búng Bình Thiên

Một trong những điểm đến hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua khi đến An Giang mùa nước nổi đó là Búng Bình Thiên thuộc địa phận 3 xã Nhơn Hội, Quốc Thái và Khánh Bình (huyện An Phú). Từ thành phố Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên bắc qua sông Châu Đốc, theo tỉnh lộ 956 khoảng 15km đến thị trấn An Phú (huyện An Phú), đi thêm 10km nữa tới ngã tư Quốc Thái, tiếp tục rẽ trái khoảng 2km, du khách sẽ đến Búng Bình Thiên (còn có tên gọi khác là hồ Nước Trời). Đây là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây với diện tích mặt nước mùa nước nổi khoảng 900ha, độ sâu trung bình khoảng 4m. Điều đặc biệt là vào mùa lũ, dòng nước đỏ nặng phù sa nhưng khi chảy vào cửa búng một vài trăm mét thì nước lại trở nên trong xanh, phẳng lặng. Người dân nơi đây cho biết, dưới lòng búng có nhiều loại rong, tảo có thể ngăn dòng nước chảy xiết, đồng thời có tác dụng lọc nước khiến nước hồ xanh trong quanh năm.

Đến Búng Bình Thiên, du khách sẽ có dịp đi thuyền trên mặt hồ ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên hữu tình với nhiều nét chấm phá sinh động; tham dự một số hoạt động văn hóa, văn nghệ của cộng đồng người Chăm tại đây như: biểu diễn đua ghe ngo, đua bò, biểu diễn trang phục truyền thống, thi bơi... và một số lễ hội tôn vinh bản sắc văn hóa Chăm như: lễ lớn Ramadan (tháng 9 theo Hồi lịch), lễ Tết Roya Phik Trok (từ mùng 1 – 3/10 theo Hồi lịch)…, trong đó nổi bật nhất là Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên diễn ra vào ngày 30 và 31/8 hàng năm. Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu du khách có cơ hội tham gia tour du lịch homestay tại đây để tìm hiểu đời sống của người Chăm theo đạo Hồi; lắng nghe những câu hò, điệu lý, những bài đờn ca tài tử, những câu hát giao duyên đằm thắm, trữ tình; thưởng thức một số món ăn dân dã của đồng bào Chăm như: lẩu mắm nấu với cá rô đồng chấm bông súng, bông điên điển; chả cá linh hay cá linh kho với trái me non...



Nhộn nhịp chợ nổi Long Xuyên

Đến An Giang mùa nước nổi, hẳn du khách sẽ vô cùng thích thú khi có dịp ghé thăm chợ nổi Long Xuyên (phường Mỹ Phước, TP. Long Xuyên). Từ trung tâm TP. Long Xuyên đi về phía đông khoảng 2km đến bến phà Ô Môi, du khách xuống thuyền qua một ngã ba sông thì gặp chợ nổi Long Xuyên. Chợ hoạt động từ khoảng 6h sáng đến 18h chiều mỗi ngày. Hàng ngày, mới tờ mờ sáng, ở khu vực bến sông này, hàng trăm ghe xuồng đã nối đuôi nhau tụ tập san sát. Ai bán mặt hàng nào sẽ treo mặt hàng đó trên cây sào (gọi là “bẹo”) cao để khách dễ nhận biết. Hàng hoá được buôn bán ở đây chủ yếu là nông sản với các loại hoa màu như rau, dưa, cà, cải, bí, khoai... hay các loại hoa trái miệt vườn như chuối, bưởi, dừa, thơm, quít, cam, đu đủ… Ngoài mua hàng, khách đi chợ còn có thể dùng điểm tâm với các món bánh canh, bánh tầm, bánh bò, hủ tiếu, chè đậu đỏ, cà phê... Tiếng cười nói rộn ràng của người mua kẻ bán vui vẻ vang khắp ngã ba sông. Đặc biệt, chiều về ở chợ nổi Long Xuyên, khi mọi sinh hoạt tạm lắng xuống, vẳng đâu đó trên sông, những thương nhân ngẫu hứng ngâm nga một vài câu vọng cổ hay mấy điệu hò sông nước cũng đủ làm đắm say lòng người.

Nếu có dịp ở lại An Giang lâu hơn, du khách đừng nên bỏ lỡ cơ hội đến thăm làng sen ở huyện Thoại Sơn; qua khu di chỉ văn hóa Óc Eo đang được khai quật, nghiên cứu; leo núi Cô Tô, núi Sập, núi Sam, núi Cấm; vãn cảnh chùa Bồng Lai, chùa Bà Châu Đốc; khám phá dãy Thất Sơn hùng vĩ hay ngọn đồi Tức Dụp nổi tiếng; men theo dòng suối đến hồ Soài So với khu vườn xanh mát bao quanh chân núi… Tất cả sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm thú vị không thể nào quên.

Phạm Phương


Theo vietnamtourism.com