Nhắc đến Bình Dương nhiều người nghĩ đến mảnh đất nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, ít ai để ý nơi đây còn là vùng đất phát triển mạnh về các ngành nghề thủ công, đặc biệt là gốm sứ.











Theo nhà văn Sơn Nam: Lái Thiêu chỉ cách lò gốm Cây Mai (lò gốm cổ ở TP.HCM) 15km. Vào khoảng năm 1867, khi các lò gốm Cây Mai thiếu nguyên liệu sản xuất, một số chủ lò chuyển lên vùng Lái Thiêu lập nghiệp. Bởi nơi đây có nguồn nguyên liệu (kaolin) tại chỗ khá dồi dào, hệ thống giao thông thủy bộ thông suốt, rất lý tưởng cho phát triển nghề gốm. Và cho đến nay, Lái Thiêu vẫn được xem là trung tâm phát triển gốm sứ của Bình Dương. Từ đây, nghề gốm phát triển dần lan rộng đến các vùng phụ cận thuộc An Thạnh, Hưng Định (Thuận An), Tân Phước Khánh (Tân Uyên).

Theo ghi nhận trong tập tài liệu Monographie de la province de Thudaumot, được Hội nghiên cứu Đông Dương xuất bản năm 1910, người Pháp viết về nghề gốm Lái Thiêu như sau: Trong tỉnh (Thủ Dầu Một), có được khoảng 40 lò gốm, trong đó An Thạnh 5 lò, Tân Thới 1 lò, Phú Cường 11 lò, Bình Chuẩn 3 lò, và 9 lò ở Tân Khánh. Xưởng chính ở Lái Thiêu và nơi đây là trung tâm phát triển nhất về nghề gốm. Ngoài 3 lò của người Việt, số còn lại là của tư sản Hoa kiều. Các lò này cung cấp đồ gốm cho cả xứ Nam Kỳ.

Kết quả khai quật khảo cổ học trong thời gian qua ở Gò Đá – Dốc Chùa, Cù Lao Rùa, Phú Chánh, Mỹ Lộc… thuộc Bình Dương, cho thấy nghề gốm nơi đây ra đời từ khá sớm do nhóm cộng đồng cư dân Việt – Hoa di cư đến vùng đất này tạo lập vào khoảng cuối thế kỷ 19. Cũng như các trung tâm gốm sứ Đông Nam bộ (Đồng Nai, Sài Gòn), gốm sứ Bình Dương ở giai đoạn đầu hình thành sản phẩm mang phong cách truyền thống gốm Phúc Kiến. Vào thời gian đầu Bình Dương sản xuất những sản phẩm gốm gia dụng: lu, vại, nồi đất, tô, chén, ấm trà… phục vụ cho nhu cầu nội địa.

Vào những năm 1950 – 1960, các lò gốm ở đây mới bắt đầu sản xuất thêm gốm sứ trang trí phục vụ cho nhu cầu trong và ngoài nước. Trong những thập niên cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, gốm Bình Dương bước vào giai đoạn chuyển đổi công nghệ theo quy trình sản xuất công nghiệp hiện đại, hầu hết các lò nung truyền thống được thay thế bằng lò nung điện hoặc gas; mẫu mã sản phẩm, màu men, trang trí mỹ thuật đa dạng và sắc sảo hơn… đại diện là dòng gốm mỹ nghệ cao cấp Minh Long.

Nói chung, tổ chức sản xuất hiện nay chủ yếu là máy móc. Công nghệ đã giải phóng đáng kể sức lao động chân tay, sản phẩm ra lò có chất lượng tốt hơn, đồng đều, mẫu mã đẹp… Tuy nhiên, với phương cách sản xuất theo công nghệ hiện đại, mặt hàng gốm sứ có chất lượng tốt nếu xét về mặt công nghiệp. Nhưng xét về yếu tố sáng tạo, vẻ đẹp và tâm hồn, tính nhân văn trong sản phẩm thì hoàn toàn thiếu vắng. Vì các qui trình thủ công, tính sáng tạo trên sản phẩm theo “tâm trạng” của nghệ nhân bị mất đi. Vì để tạo một sản phẩm gốm phải trải qua qui trình luyện đất, tạo dáng, trang trí hoa văn, tráng men, sau cùng xếp vào lò nung… Với sự sáng tạo và đôi tay khéo léo của người thợ gốm, gốm sứ Việt Nam đã trở thành loại hình nghệ thuật mang tính dân gian đặc sắc. Sản phẩm hiện có đến vài chục ngàn mẫu mã; các hoa văn, họa tiết trên sản phẩm được cách điệu từ động vật, thực vật trong văn hóa dân gian và hiện đại (mục đồng chăn trâu thổi sáo, phong cảnh đất nước, thi phú…).

Trong giai đoạn hiện nay, gốm sứ Bình Dương có sự phát triển vượt bậc so với trước, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Đặc biệt những sản phẩm gia dụng, sản phẩm gốm sứ cao cấp dùng làm trang trí rất được thị trường châu Âu và châu Mỹ ưa chuộng. Trong mỗi sản phẩm kết tinh sự pha trộn hoàn hảo của chất liệu thuần Việt, dưới sự sáng tạo tài tình của các thợ gốm Việt – Hoa, nên mang nét độc đáo riêng. Chính những đường nét, hoa văn, mẫu mã thu hút du khách đến tận nơi sản xuất để xem và thưởng thức nghệ thuật. Và các lò gốm hiện cũng đang khẳng định và trên đường trở thành trung tâm du lịch làng nghề mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.

Nghề gốm Bình Dương hiện phát triển mạnh ở 3 nơi: Lái Thiêu, Chánh Nghĩa và Tân Phước Khánh. Tạm chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn hình thành và phát triển (1867 - 1945); giai đoạn thịnh vượng (1945 - 1975), giai đoạn tiến bộ kỹ thuật (1975 -1986) và giai đoạn đoạn tái phát triển (1986 đến nay).

Hơn 150 năm hình thành và phát triển, gốm sứ Bình Dương tuy có lúc thăng trầm nhưng nhìn chung vẫn liên tục phát triển, đóng góp quan trọng cho kinh tế, xã hội của địa phương. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, lưu dân người Việt – Hoa và cộng đồng cư dân bản địa đã chung lưng đấu cật, cùng với sự giao thoa văn hóa nhiều miền kết tinh thành bản sắc văn hóa đặc trưng của người Bình Dương mà điển hình là các nghề truyền thống. Các họa tiết, hoa văn đã thể hiện rõ điều đó trên từng sản phẩm gốm sứ và đã chinh phục trái tim, trí tuệ của nhiều người trên khắp thế giới.

Tuy vậy, để phát triển làng nghề du lịch gốm sứ, nhiều người cho rằng nên tham khảo cách tổ chức phát triển làng nghề của một vài quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Nhật Bản… vì họ rất có kinh nghiệm phát triển mỗi làng nghề 1 sản phẩm - không có nghĩa mỗi làng chỉ có 1 sản phẩm mà là mỗi làng nghề có kỹ năng, văn hóa, truyền thống riêng, kết tinh trong sản phẩm trở thành đặc trưng riêng của làng nghề.

Việt Nam mấy năm gần đây có tham khảo cách tổ chức làng nghề du lịch ở Thái Lan, tiêu biểu là một số địa phương phía Bắc. Làng nghề gốm Bát Tràng, Chu Đậu đã thành làng nghề du lịch, thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan và thưởng ngoạn. Bình Dương – Lái Thiêu, với tiềm năng du lịch to lớn có cơ hội trở thành làng nghề du lịch thu hút du khách tham quan.


Theo vietnamtourism.com