(TITC) - Chiếm hơn 33% diện tích, gần 12% dân số cả nước với trên 2.574km đường biên giới tiếp giáp với Lào và Trung Quốc, vùng Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lạng Sơn và 21 huyện phía tây của hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.





Bản Lác (Hòa Bình)

Là tỉnh cửa ngõ của vùng Tây Bắc, Hòa Bình có nhiều danh lam thắng cảnh, các khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái đa dạng và nguồn suối khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe con người. Để triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hòa Bình giai đoạn 2014 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh tập trung đầu tư vào các khu du lịch sinh thái và văn hóa dân tộc Mường, Thái…, đặc biệt là khu du lịch hồ sông Đà đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành khu du lịch quốc gia.

Hòa Bình còn được biết đến là tỉnh duy nhất của vùng Tây Bắc có sân gôn, đó là sân gôn Phượng Hoàng thuộc huyện Lương Sơn. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng thêm sân gôn mới, phục vụ đối tượng khách du lịch cao cấp.



Mộc Châu (Sơn La)

Sơn La là vùng đất có khí hậu mát mẻ với nhiều hang động, thác nước, khu bảo tồn thiên nhiên, suối khoáng nóng và công trình thủy điện có giá trị lớn về du lịch. Bên cạnh đó là hệ thống di tích văn hóa lịch sử, làng nghề truyền thống cùng các bản làng mang vẻ đẹp nguyên sơ, mộc mạc.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Sơn La đến năm 2020, tầm nhìn 2030, không gian du lịch Sơn La được định hướng phát triển gồm 3 cụm chính là thành phố Sơn La và phụ cận, Mộc Châu và phụ cận, Quỳnh Nhai và phụ cận. Trong đó, khu du lịch quốc gia Mộc Châu đang được ưu tiên đầu tư để trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La và cả nước. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến; xây dựng các khu du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, khu di tích lịch sử, khu tắm khoáng nóng và nghỉ dưỡng...



Hầm Đờ Cát (Điện Biên)

Sở hữu nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú, lại là tỉnh duy nhất trong cả nước có chung đường biên giới với hai quốc gia Lào và Trung Quốc, Điện Biên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch.

Với mục tiêu trở thành một trong ba địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của khu vực Trung du, miền núi Bắc bộ, Điện Biên ưu tiên đầu tư và phát triển các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái gắn với khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang; du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái núi cao tại rừng Mường Phăng, động Pa Thơm, đèo Pha Đin…; du lịch tham quan tìm hiểu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; du lịch biên giới gắn với các cửa khẩu…; đồng thời xây dựng thành phố Điện Biên Phủ trở thành đô thị du lịch của cả nước.



Đèo Ô Quy Hồ nối 2 tỉnh Lai Châu và Lào Cai

Lai Châu là tỉnh có địa hình đa dạng với những dãy núi cao và dốc xen kẽ nhiều thung lũng hẹp và sâu, hình thành nên các cao nguyên có khí hậu trong lành, mát mẻ như Sìn Hồ, Hồ Thầu… Bên cạnh đó, hệ thống sông suối với nhiều thác ghềnh có lưu lượng dòng chảy lớn cũng tạo cho vùng đất này nhiều cảnh quan hấp dẫn cùng tiềm năng thủy điện phong phú. Ngoài ra, Lai Châu còn có nguồn suối nước nóng với hàm lượng khoáng chất cao, phục vụ nhu cầu du lịch chữa bệnh và nghỉ dưỡng.

Nhằm khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, Lai Châu tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp, tôn tạo và phát triển nhiều khu, điểm du lịch tiêu biểu, góp phần hình thành các sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của địa phương. Đặc biệt, tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ và Bộ VHTTDL bổ sung khu du lịch sinh thái cao nguyên Sìn Hồ vào danh mục các khu du lịch quốc gia trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.



Chợ Bắc Hà (Lào Cai)

Lào Cai có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tiêu biểu như ruộng bậc thang Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, vườn quốc gia Hoàng Liên... Bên cạnh đó, các di tích lịch sử, công trình kiến trúc độc đáo cùng bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số cũng là những lợi thế rất lớn để Lào Cai phát triển các loại hình du lịch văn hóa lịch sử, du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch cộng đồng...

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Lào Cai giai đoạn 2015 - 2020, định hướng tầm nhìn 2030, cùng với việc tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm ở Sa Pa và các địa bàn tiềm năng khác, tỉnh ưu tiên đầu tư các khu du lịch giải trí, thể thao ở thành phố Lào Cai và các huyện Bát Xát, Bảo Thắng; đồng thời xây dựng tuyến du lịch dọc sông Chảy nhằm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái và văn hóa cộng đồng của địa phương.



Ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái)

Yên Bái là mảnh đất được tạo hóa ban tặng cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn với hệ thống đầm, hồ, sông, suối, hang động, rừng nguyên sinh phong phú. Đây cũng là nơi sinh sống của trên 30 dân tộc anh em với bản sắc văn hóa đa dạng.

Mục tiêu của Yên Bái là đến năm 2020 sẽ hoàn thành cơ bản và đi vào hoạt động có hiệu quả các trung tâm du lịch như khu du lịch sinh thái Tân Hương - hồ Thác Bà; du lịch sinh thái Suối Giàng; danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; vùng văn hoá Mường Lò – Nghĩa Lộ cùng nhiều khu du lịch sinh thái đặc sắc khác.



Đền Hùng (Phú Thọ)

Vùng đất Tổ Phú Thọ là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với thời đại Hùng Vương cùng nhiều tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Để tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch,tỉnh định hướng hình thành 5 trung tâm du lịch chính, trong đó thành phố Việt Trì là trung tâm lễ hội với hạt nhân là khu du lịch quốc gia đền Hùng gắn với di sản văn hóa phi vật thể hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; huyện Tân Sơn là trung tâm du lịch sinh thái mà điểm nhấn là vườn quốc gia Xuân Sơn với hệ sinh thái đa dạng; huyện Thanh Thuỷ có mỏ nước khoáng nóng rất tốt cho sức khỏe sẽ là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; huyện Hạ Hòa là trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa và huyện Tam Nông là trung tâm nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao. Đặc biệt, Phú Thọ còn kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống sân gôn nhằm phục vụ nhu cầu của đối tượng khách du lịch cao cấp.

(Còn tiếp...)

Bài: Phạm Phương; ảnh: Huy Hoàng


Theo vietnamtourism.com