Để giúp các hộ dân trên địa bàn phát triển du lịch theo mô hình homestay, huyện Cô Tô đã ban hành cơ chế hỗ trợ 50% lãi suất vay ngân hàng, mức vay 200 triệu đồng/hộ xây nhà mới để đón khách du lịch; hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ xây dựng nhà vệ sinh khép kín để phục vụ sinh hoạt gia đình và đón khách du lịch.











Homestay là hình thức nghỉ ngơi và sinh hoạt của du khách với người dân bản địa ngay chính trong nhà của họ, là loại hình “du lịch xanh” lý tưởng đối với du khách yêu thích khám phá văn hoá. Homestay với góc nhìn thực tế với cách sống và nền văn hoá nơi bản địa sẽ giúp du khách tìm được chỗ chơi hợp với mình nhất, món ăn hợp khẩu vị, hợp với ý thích mà theo họ là rẻ nhất.



Hiện các nhà nghỉ trên địa bàn huyện đều xây dựng theo hướng homestay, ước tính có khoảng 70 nhà; trong đó mới có 19 hộ được huyện công nhận là homestay với 70 phòng nghỉ. Chúng tôi đến xã Đồng Tiến, nơi có nhiều mô hình homestay nhất. Chị Nguyễn Minh Huệ (thôn Hải Tiến) là người đã nhiều năm làm mô hình này, cho biết: Gia đình chị có 5 phòng, giá thuê 350.000 đồng/phòng/ngày. Về mùa du lịch nhà chị lúc nào cũng đông vui. Khách đến đây họ thích không khí trong lành, sự thân thiện của chủ nhà và thăm thú, thưởng thức cảnh quan thiên nhiên. Nhiều đoàn họ mang theo cả nồi niêu, xoong, chảo. Chị có trách nhiệm liên hệ thuyền câu, người dẫn đường để đưa họ đi câu mực, đánh cá lưới y như ngư dân, chị em trong đoàn còn đi bắt ốc. Sau mỗi buổi như vậy, sản phẩm thu được họ tự nấu nướng chế biến, tổ chức ăn uống rất vui vẻ.



Cũng theo chị Huệ, hầu như năm nào các đoàn khách quen đều đến homestay nhà chị; có lần lên 45 người cũng chỉ ở 5 phòng. Họ không cần điều hoà, tối mở tung cửa ra ngủ cả dưới sàn nhà. Họ bảo, chỉ ở đây họ mới có kiểu ngủ thoải mái như thế, xe máy chẳng cần khoá cổ, đồ đạc cứ bỏ vô tư không lo trộm cắp. Mô hình homestay của gia đình chị ngoài nhà nghỉ còn có sân rộng, vườn rau không phun thuốc sâu được khách rất thích. Họ bảo, chỉ có từ thực tế nhìn thấy người trồng rau, tự mình thu hoạch rau mới yên tâm sử dụng. Có đoàn đi đông người mang theo cả máy, loa, đài rồi tổ chức chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, trẻ con hàng xóm kéo sang rất đông.



Mô hình homestay của gia đình chị Lưu Thị Quyên (thôn Nam) có tới 23 phòng, giá thuê từ 600.000-700.000 đồng/phòng/ngày; còn có cả một sân bóng rộng khoảng 500m2 bên cạnh nhà nghỉ và khu vườn rộng chừng 200m2 trồng hoa atiso đỏ (còn gọi là cây bụt giấm). Chị Quyên cho biết: Khách nghỉ, nhất là giới trẻ rất thích ra sân đá bóng, chơi cầu lông; buổi tối họ tổ chức ca nhạc hay hát karaoke ngoài sân bóng, rẻ mà vui hơn là vào nhà hàng. Họ bảo không thích thuê phòng nghỉ ở những nơi suốt ngày chỉ có nằm trong phòng xem ti vi, đến bữa mới xuống ăn, đến chiều mới ra biển tắm, tối thì đi ngủ sớm. Phụ nữ thích ra vườn hoa atiso đỏ để chụp hình, hay hái hoa về nấu nước uống rất mát lại chữa được một số bệnh. Nhiều người không muốn đưa con ra biển thì để con chơi ở vườn hoa, sân bóng, không sợ nguy hiểm vì cách xa đường giao thông lớn, ít xe cộ. Chị Quyên còn đầu tư 4 nhà gỗ di động với giá thuê từ 800.000 đến 1 triệu đồng/nhà gỗ, có đầy đủ ti vi, tủ lạnh, máy lạnh. Nhà chị cách không xa các bãi tắm nổi tiếng của huyện là Hồng Vàn, Vạn Chảy, nhà gỗ kéo ra biển như toa xe, rất tiện.



Theo những người làm homestay ở Cô Tô, mô hình này tạo được sự thân thiện giữa khách và chủ nhà, người đến đây ở có được cảm giác thoải mái riêng. Nhiều khách nghỉ lại giới thiệu với bạn bè, gia đình đến đây nghỉ. Nhiều khách vẫn liên lạc thường xuyên ra đây mua sản phẩm OCOP của huyện “Mực khô một nắng Cô Tô”, “Cá duội Cô Tô” gửi theo đường tàu, xe. Phát triển mô hình homestay còn nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên nơi đây.


Theo vietnamtourism.com