(TITC) - Từ ngày 2/10/2015, Trung tâm Văn hóa, Thể thao TP. Hội An (Quảng Nam) sẽ tổ chức biểu diễn phục vụ người dân địa phương và du khách chương trình “Nghệ thuật múa rối nước Hội An” tại Nhà hát Hội An (số 548 đường Hai Bà Trưng, TP. Hội An).











Chương trình sẽ diễn ra từ 18h30’ các tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần, bao gồm những tiết mục đặc sắc của nghệ thuật múa rối nước (bơi thuyền bắt cá, đua thuyền, múa tứ linh, nhi đồng hí thủy...) và một số tiết mục mang đậm nét đặc trưng văn hóa Quảng Nam (múa Apsara, truyền thuyết con Cù...).

Là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống xuất hiện từ thời Lý, múa rối nước lưu giữ những sáng tạo nghệ thuật dân gian trong lao động, sản xuất của cư dân trồng lúa nước ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Đặc điểm nổi bật của nghệ thuật múa rối nước là dùng mặt nước làm sân khấu để con rối diễn trò, đóng kịch. Buồng trò rối nước (nhà rối hay thủy đình) có kiến trúc cân đối và được trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã mang dáng dấp đình làng ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với những mái ngói uốn cong phản chiếu lung linh trên mặt nước.

Con rối mà tiêu biểu là nhân vật chú Tễu được đẽo bằng gỗ sung nhằm tạo những đường nét cách điệu sau đó được gọt giũa, đánh bóng và trang trí bằng nhiều màu sơn khác nhau nhằm khắc họa đường nét, tính cách cho từng nhân vật rối. Hình dáng của con rối thường mang vẻ tươi tắn, ngộ nghĩnh, hài hước và tượng trưng cao. Trong không gian thủy đình, những con rối vô tri vô giác trở nên rất có hồn nhờ sự điều khiển qua hệ thống sào, dây của các nghệ nhân đứng phía sau phông che.

Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, mõ, tù hay những làn điệu dân ca truyền thống của Việt Nam nhằm tạo không khí vui tươi của hội hè.

Thanh Hải


Theo vietnamtourism.com