Hàng năm, từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch, hàng vạn du khách trong và ngoài nước lại đổ về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tham gia hành trình du lịch “mùa nước nổi” kì thú.











Thống kê của các công ty du lịch như Saigontourist, Fiditour, Bến Thành..., những ngày qua, lượng khách mua tour du lịch “mùa nước nổi” (về các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang... trải nghiệm cuộc sống của người dân mùa lũ) tăng đáng kể. Đặc biệt, nếu trước đây phần đông khách mua các tuyến này đến từ khu vực TP. Hồ Chí Minh thì giờ đây khách từ các tỉnh phía Bắc và nước ngoài rất chuộng sản phẩm trên.

Theo các chuyên gia du lịch, sở dĩ hành trình này ngày “càng ăn nên làm ra” vì tính chất “độc, lạ” của sản phẩm. Trong cả năm, chỉ có hơn ba tháng là lượng nước lũ từ thượng nguồn đổ về ĐBSCL tăng mạnh, khiến vùng Đồng Tháp Mười và tứ giác Long Xuyên nước ngập trắng đồng; những khu rừng như Trà Sư (An Giang), rừng quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp)... vào mùa đẹp nhất với hệ thực vật phong phú và vô số những loài cá tôm, chim quy tụ về. Dịp này thích hợp cho các công ty lữ hành nối tour và triển khai các loại hình du lịch hấp dẫn như: đặt lờ, giăng lưới, hái bông điên điển, nhổ bông súng đồng, giúp du khách thành thị hoà mình hoàn toàn vào cuộc sống của người dân địa phương; cùng ăn, cùng ở, cùng chế biến và thưởng thức nhiều sản vật dân dã: cá linh kho me, bánh xèo cá linh, canh chua bông điên điển, tép đồng bóp gỏi bông súng, cá lóc nướng trui... Hiện để tăng thêm sức hút cho tour, những người thực hiện chương trình còn kết hợp đưa du khách đến với cộng đồng Chăm ở các địa phương như Châu Giang, Khánh Hòa, Phú Hiệp (An Giang) để tham quan làng nghề truyền thống, mua sắm các loại thổ cẩm, xem đồng bào diễn văn nghệ.

Bà Huỳnh Thị Thúy Kiều, Giám đốc Công ty An Giang Travel, một trong những đơn vị khai thác tốt hành trình du lịch mùa nước nổi với lượng khách tăng trưởng trên 30% mỗi năm cho biết đây là mô hình du lịch hấp dẫn, chứa đựng nhiều tiềm năng bởi diễn ra chủ yếu trong mùa lũ nhưng chương trình đã tạo ra sức hút riêng cho du lịch các địa phương, tạo điểm nhấn thú vị và khác lạ cho khách mà hiếm có một vùng nào khác tại nước ta có được. Dự kiến vào khoảng tháng 10 âm lịch tới là thời gian đẹp nhất của mùa lũ trong năm, các địa phương trong khu vực sẽ tiếp tục đón và phục vụ hàng nghìn lượt khách đến với chương trình. Đánh giá về tiềm năng và triển vọng to lớn của loại hình du lịch trên, tại hội thảo “Liên kết phát triển các sản phẩm du lịch xanh ĐBSCL” (được tổ chức tại Cần Thơ vừa qua), rất nhiều chuyên gia du lịch cho rằng việc lợi dụng mùa lũ để làm du lịch và đạt được những kết quả khả quan như vùng ĐBSCL rất cần được phát huy, nếu được nghiên cứu kĩ lưỡng và đầu tư đúng mức chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành du lịch cả vùng. Đáng chú ý, theo các chuyên gia du lịch, trong khi nhiều năm qua, ngành du ĐBSCL hay “than phiền” vì cho rằng cả vùng vẫn chưa tìm ra sản phẩm du lịch đặc thù chung thì phải chăng đã đến lúc các tỉnh, thành trong khu vực nên ngồi lại với nhau và thống nhất đưa loại hình du lịch mùa nước nổi trở thành sản phẩm du lịch đặc thù của vùng. Tuy vẫn còn một vài ý kiến băn khoăn khi nhược điểm lớn nhất của sản phẩm này là chỉ diễn ra trong thời gian ngắn lại phụ thuộc đa phần vào thời tiết nhưng nếu biết cách khai thác và tận dụng các hình thức quảng bá, thu hút khách thì chắc chắn từ mấy tháng của “mùa nước nổi” cũng đủ tạo nên mùa đón khách du lịch cao điểm trong và ngoài nước cho vùng. Qua đó, nếu các đơn vị lữ hành biết nắm bắt cơ hội khách đi tour nước nổi để tiếp thị thêm nhiều điểm đến, sản phẩm du lịch hấp dẫn khác, chắc chắn lượng khách lưu lại ĐBSCL sẽ nhiều hơn, giúp địa phương ngày càng ghi điểm với bè bạn trong và ngoài nước.


Theo vietnamtourism.com

View more random threads: