(TITC) - UBND tỉnh Lào Cai vừa cho phép khai thác thử nghiệm tuyến du lịch Cát Cát - vũng Rồng - giếng Tiên - Sín Chải trong phạm vi vườn quốc gia Hoàng Liên thuộc địa phận huyện Sa Pa, Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) và huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu).



Nằm ở độ cao từ 1.000 - 3.000m so với mực nước biển, vườn quốc gia Hoàng Liên bao gồm những thảm rừng nguyên sinh đan xen với thảm rừng kín thường xanh á nhiệt đới núi cao, tạo nên hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Sự chia cắt mạnh mẽ về địa hình đã hình thành ở vườn quốc gia Hoàng Liên nhiều cảnh đẹp thiên nhiên kỳ vĩ như đỉnh Phan-Xi-Păng, suối Vàng, thác Tình Yêu, thác Nàng Tiên Thứ Bảy… Trong đó, vũng Rồng - giếng Tiên là 2 thắng cảnh vẫn còn hoang sơ, hấp dẫn du khách đam mê khám phá chinh phục thiên nhiên.

Từ bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa), du khách đi ngược con suối Mường Hoa về hướng đỉnh Phan-Xi-Păng khoảng 8km sẽ tới vũng Rồng. Dọc đường đi, bạt ngàn hoa đỗ quyên đỏ, hoa hồ mộc Tây Tạng khiến cho khung cảnh núi rừng càng thêm hùng vĩ.

Vũng Rồngtheo tiếng H’Mông có nghĩa là “Lu Giàng Pàng’’. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, rồng được Ngọc Hoàng giao nhiệm vụ điều tiết thiên nhiên cho mưa thuận gió hòa. Một ngày, do mải mê ngắm nhìn cảnh đẹp núi rừng dưới hạ giới nên rồng đã quên nhiệm vụ của mình khiến cho lũ lụt, thiên tai xảy ra. Bởi vậy, Ngọc Hoàng đã phạt và nhốt rồng xuống vũng nước sâu có diện tích khoảng 800m² nằm dưới chân thác nước bắt nguồn từ đỉnh Hoàng Liên Sơn. Từ truyền thuyết này, người dân địa phương gọi nơi đây là vũng Rồng.









Từ vũng Rồng, đi ngược suối Mường Hoa khoảng 1km, du khách sẽ đến giếng Tiên với phong cảnh sơn thủy hữu tình. Khu vực giếng Tiên gồm 2 thác nước ngày đêm ào ào tung bọt trắng xóa đổ xuống hồ nước sâu. Tương truyền, xưa kia, các nàng tiên trên trời thường xuống đây vui chơi và tắm mát.









Tiếp tục đi men theo con suối Mường Hoa tới độ cao khoảng 1.400m so với mực nước biển, du khách sẽ đến bản Sín Chải (thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa) - nơi vẫn lưu giữ nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mông đen. Sín Chải có khoảng gần 1.500 người dân tộc Mông đen sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt (lúa, ngô, lanh, thảo quả) và chăn nuôi. Ngoài ra, dân bản còn biết dệt vải, thêu thùa và đặc biệt là vẽ các hoa văn, họa tiết trên nền vải bằng sáp nến. Các sản phẩm thủ công như quần, áo, váy, gối, chăn... do dân bản làm ra chỉ để phục vụ cho nhu cầu cá nhân chứ không đem ra chợ bán.









Việc tỉnh Lào Cai thử nghiệm khai thác tuyến du lịch Cát Cát - vũng Rồng - giếng Tiên - Sín Chải làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh, đồng thời tạo cơ hội để du khách có thêm những trải nghiệm du lịch mới mẻ.



Thanh Hải


Theo vietnamtourism.com