Ngày 10/10/2015, tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn, tỉnh An Giang đồng loạt diễn ra lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang đúng vào dịp đồng bào Khmer Nam Bộ cũng như bà con Khmer tỉnh An Giang đang nô nức đón mừng lễ Sene Dolta (lễ cúng ông bà) truyền thống - một trong ba lễ hội lớn trong năm của dân tộc mình.





Năm nay là lần đầu tiên kể từ năm 1992 đến nay, tỉnh An Giang thực hiện chủ trương đưa lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang về cộng đồng người Khmer và được đồng loạt tổ chức ở hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Toàn bộ các khâu tổ chức, điều hành, trao thưởng… đều do cộng đồng người Khmer quyết định, thông qua đại diện của mình. Đây cũng là hoạt động nhằm tạo khí thế vui tươi và duy trì môn thể thao cổ truyền mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

Tham gia lễ hội đua bò Bảy Núi năm nay có 69 cặp bò thi đấu, trong đó tại sân đua bò chùa Tà Miệt, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn có 32 cặp bò và tại sân đua bò chùa Rô, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư của huyện Tịnh Biên có 37 cặp bò của bà con nhân dân các xã, thị trấn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Lễ hội thu hút hàng ngàn người đến xem và cổ vũ cho các cặp bò đua. Bước vào tranh tài, 2 đôi bò sẽ thi đấu theo thể thức một vòng hô và một vòng thả, chọn đôi bò thắng cuộc vào vòng thi đấu tiếp theo. Trên đường đua, nếu đôi bò nào phạm quy như tự ý ra khỏi đường đua, giẫm lên bừa của đôi bò trước thì sẽ bị loại, cặp bò còn lại sẽ giành chiến thắng tiếp tục vào thi đấu vòng trong. Cặp bò giành chức vô địch phải tham gia tất cả các vòng thi đấu và loại từng “đối thủ” cạnh tranh trực tiếp.

Kết quả, tại huyện Tịnh Biên, cặp bò mang số đeo 04 của ông Dương Văn Hiệp ở xã Vĩnh Trung đã xuất sắc giành giải nhất; còn tại huyện Tri Tôn, giải nhất được trao cho cặp bò mang số đeo 07 của ông Nguyễn Văn Búp ở xã Lương Phi. Ban tổ chức cũng trao 1 giải điều khiển bò giỏi nhất cho ông Nguyễn Văn Búp ở xã Lương Phi và 5 giải khuyến khích.

Tỉnh An Giang hiện có hơn 95.000 người dân tộc Khmer, chiếm 4,2% dân số và 75% tổng số đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Đồng bào Khmer An Giang sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, tập trung tại 5 huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn và sinh hoạt tại 65 chùa Phật giáo Nam tông.

Từ xa xưa, người Khmer An Giang đã sống theo phum sóc, hầu hết đều làm ruộng rẫy và dùng bò để cày kéo, nên bò được người dân nuôi nấng, chăm sóc cẩn thận. Vào mùa làm ruộng, đàn ông Khmer mang bò cày bừa tơi đất ruộng để phụ nữ cấy mạ, rồi dần đổi công cho nhau. Trong khi làm việc, nông dân rủ nhau đua bò, dần dần thành thói quen, đôi bò thắng cuộc thường được tặng thưởng.

Từ đó, đua bò trở thành tập quán của người Khmer Bảy Núi-An Giang vào mỗi dịp lễ Sene Dolta hàng năm và trở thành lễ hội truyền thống, đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer vùng Bảy Núi An Giang.

Những năm gần đây, lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang đã thực sự trở thành một sinh hoạt văn hóa, thể thao thu hút được sự quan tâm đặc biệt của đông đảo bà con nhân dân trong và ngoài tỉnh, ngày càng phát triển sâu rộng trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh An Giang đang xây dựng đề án phát triển lễ hội đua bò Bảy Núi lên tầm khu vực (Đồng bằng sông Cửu Long) và quốc gia, qua đó đưa lễ hội đua bò Bảy Núi An Giang trở thành niềm vui chung của cộng đồng các dân tộc anh em trên vùng đất Nam Bộ cũng như cả nước./.


Theo vietnamtourism.com