Ngày 21/4 (tức ngày 3/3 âm lịch), tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) diễn ra chính hội phường Thạch Bàn và đón nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho nghi thức Kéo co ngồi.














Nghi thức Kéo co ngồi được tổ chức trong lễ hội làng vào ngày 3/3 âm lịch, gắn với ngày sinh của Đức thánh Huyền Thiên Trấn Vũ. Đây là một nghi thức đặc biệt trong lễ hội: ngồi trên đất kéo co bằng dây song luồn qua lỗ một cây cột gỗ được chôn chặt xuống đất. Ý nghĩa của nghi thức Kéo co ngồi mang tính tâm linh, thể hiện mong muốn của cộng đồng là mang lại điều may mắn cho làng xóm, thông qua đó Đức Thánh ban cho họ những điều tốt lành.

Nghi thức Kéo co ngồi có tính đặc sắc vì nghệ thuật trình diễn kéo co được thực hành thông qua một cột lễ, thể hiện rõ tính chất âm dương. Trong hình thức Kéo co ngồi, người ta ngồi bệt xuống đất, dùng gót chân làm điểm tựa để kéo. Điều quan trọng nhất khi thực hành nghi lễ này là giữ gìn như một nghi lễ tâm linh, không như môn thể thao để giành thắng - thua.

Theo truyền thuyết, nghi thức Kéo co ngồi bắt nguồn từ việc cầu mong có đầy đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân. Ý nghĩa và niềm tin tâm linh này chính là giá trị phi vật thể của nghi thức, niềm tin không thể thiếu mang lại niềm vui, không khí phấn khởi, một sức sống mới cho cộng đồng để họ yên tâm sản xuất.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia cho rằng: “Địa phương đã có ý thức bảo tồn, phát huy giá trị nghi thức, không biến thành một môn thể thao mà giữ như một nghi lễ truyền thống, tổ chức trang trọng, đầy đủ nghi thức làm cho trình diễn kéo co giữ được tính tâm linh”.

Hiện nay, nghi thức này có chút thay đổi là có thêm phần kéo co do nữ giới thực hiện và chỉ được thực hiện khi các “giai kéo” thực hiện xong nghi thức. Mặc dù vậy, nghi thức Kéo co ngồi vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, tăng cường đoàn kết trong nhân dân.


Theo vietnamtourism.com

View more random threads: