Du lịch Đà Nẵng đang đứng trước những thách thức rất lớn từ quá trình hội nhập và từ chính việc phát huy sức mạnh nội tại.














Tại Hội thảo “TP. Đà Nẵng - Thành tựu, Tiềm năng, Hội nhập và Phát triển” trong ngày 23/4 do Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng tổ chức, đại diện Sở VHTTDL Đà Nẵng cho biết, thời gian qua du lịch Đà Nẵng có sự khởi sắc.



Giai đoạn 2009 - 2014, thành phố đón trên 15 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 23,2%, doanh thu đạt gần 27.000 tỷ đồng. Hiện nay, có 16 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng, thành phố có 427 khách sạn với hơn 15.000 phòng lưu trú.

Mặc dù vậy du lịch Đà Nẵng đang đứng trước những thách thức rất lớn từ quá trình hội nhập và từ chính việc phát huy sức mạnh nội tại. Đó là sự cạnh tranh khốc liệt từ các điểm đến trong khu vực và quốc tế, áp lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài, áp lực về chất lượng nguồn nhân lực.

Chẳng hạn, ở trong nước, du lịch Đà Nẵng có khá nhiều "đối thủ" cạnh tranh về loại hình nghỉ dưỡng biển như Nha Trang, Mũi Né, Phú Quốc; còn ở phạm vi khu vực ASEAN thì có Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia), Genting (Malaysia)...

Trong bối cảnh đó, việc định vị sự khác biệt trong du lịch là rất quan trọng, đòi hỏi du lịch Đà Nẵng phải xây dựng cái riêng đặc sắc để phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch TP. Đà Nẵng cho rằng, thành phố cần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của loại hình du lịch công vụ (M.I.C.E) thông qua việc đầu tư cho các chiến dịch xúc tiến quảng bá với thông điệp “Đà Nẵng là điểm đến lý tưởng cho các hoạt động M.I.C.E”; phát huy lợi thế là trung điểm của đất nước, thuận lợi về giao thông, có sự sẵn sàng phục vụ của các sản phẩm du lịch bổ sung từ các vùng phụ cận và đặc biệt là có trụ sở chi nhánh của các bộ ngành, tổng công ty trong nước và quốc tế ngay trên địa bàn.

Trước tiên, giai đoạn 2015 - 2017, thành phố cần tập trung khai thác mạnh thị trường M.I.C.E trong nước, cụ thể là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Giai đoạn 2017 - 2020, tập trung khai thác khách M.I.C.E quốc tế sau “cú huých” của Hội nghị thượng đỉnh APEC dự kiến được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2017.

Bên cạnh đó, thành phố cần tạo điểm nhấn trong Quy hoạch không gian phát triển du lịch của thành phố bằng cách xác định Trung tâm du lịch của Đà Nẵng, giống như khu vực trung tâm phố cổ Hội An, khu vực gần Đại nội Huế, khu trung tâm Pattaya - Thái Lan hay khu ven biển Bali của Indonesia.

Theo nghiên cứu, Trung tâm Du lịch Đà Nẵng cần được quy hoạch từ bờ đông sông Hàn tới biển Đà Nẵng nơi giao thoa của 2 huyết mạch kết nối, đó là đường Nguyễn Văn Linh - Võ Văn Kiệt, kết nối sân bay với Trung tâm này và vành đai Nguyễn Tất Thành - Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa - Điện Ngọc - Hội An, kết nối Trung tâm du lịch Đà Nẵng với các di sản văn hóa thế giới.

Việc xác định khu Trung tâm sẽ góp phần giải quyết các vấn đề: Tập trung mật độ du lịch, hỗ trợ đầu tư và hiệu quả khai thác; tạo thuận lợi, tiện ích cho du khách đặc biệt là về logistics; tách biệt với các khu dân cư, hỗ trợ công tác quản lý trên địa bàn; thuận tiện, không gây tắc nghẽn giao thông; đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân và du khách.

Ngoài ra, để khắc phục những hạn chế cơ bản về liên kết nội bộ, tạo sức mạnh cạnh tranh, một số ý kiến tại hội thảo kiến nghị cần xây dựng cơ chế phối hợp nguồn lực để phát triển sản phẩm, đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực và công tác xúc tiến, quảng bá.



Bên cạnh việc phân bổ thêm ngân sách để tái đầu tư cho hoạt động phát triển du lịch, cần thiết phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn. Từ đó, Quỹ Phát triển du lịch được đề xuất để tạo nguồn lực theo cơ chế hợp tác công tư PPP nhằm thúc đẩy phát triển các hoạt động xúc tiến phát triển sản phẩm, xây dựng và quảng bá hình ảnh du lịch tới các thị trường trọng điểm quốc tế.


Theo vietnamtourism.com

View more random threads: