(TITC) – Ngày 18/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1400/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.














Theo đó, Quy hoạch bao gồm 8 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.<o></o>

Quan điểm của Quy hoạch là phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và vị thế của Vùng với đầu tàu là TP. Hồ Chí Minh, tạo động lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, tạo sức lan tỏa và góp phần thúc đẩy thị trường văn hóa, hoạt động thể dục thể thao của cả nước và các địa phương phát triển. Đồng thời, tăng cường liên kết nội Vùng trên cơ sở phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, chú trọng hợp tác với các nước ASEAN để đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Vùng bền vững. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, trong đó ưu tiên các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hài hòa với các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.<o></o>

Về lĩnh vực du lịch, định hướng phát triển Vùng, với TP. Hồ Chí Minh là động lực, thực sự trở thành trung tâm du lịch hàng đầu cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, có thương hiệu và cạnh tranh được với các nước trong khu vực, trở thành cửa ngõ của du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng và là không gian du lịch trọng điểm trên tuyến du lịch xuyên Á.<o></o>

Đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế từ khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày. Ưu tiên khai thác thị trường khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch đến từ thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn phía Bắc; chú trọng phân khúc thị trường khách du lịch với mục đích như: nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, mua sắm; khuyến khích phát triển và mở rộng thị trường du lịch theo chuyên đề.<o></o>

Ưu tiên đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch đô thị và du lịch nghỉ dưỡng biển.<o></o>

Tập trung phát triển mạnh các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia trong Vùng, từng bước hình thành đô thị du lịch TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Phát triển các tuyến du lịch liên vùng, các tuyến du lịch quốc gia gắn với hệ thống đường hàng không, đường bộ, đường thủy.<o></o>

Đến năm 2020, Vùng phấn đấu đón trên 6 triệu lượt khách quốc tế và phục vụ hơn 34 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt trên 170 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 200 nghìn lao động trực tiếp; các cơ sở lưu trú có khoảng 150 nghìn buồng. Phấn đấu đến năm 2030, thu hút được khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ trên 60 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 550 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho hơn 430 nghìn lao động trực tiếp, các cơ sở lưu trú có khoảng 300 nghìn buồng.<o></o>

Thu Thủy<o></o>


Theo vietnamtourism.com