Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo xúc tiến hợp tác quốc tế về bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch ngày 24/9, tại Hà Nội.














Tại hội thảo, các đại biểu trong nước, quốc tế đã đưa ra những kinh nghiệm, ý kiến cần thiết để giúp Quảng Nam bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch một cách bền vững nhất.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Chín, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết Quảng Nam vinh dự được sở hữu 2/21 Di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận và đông đảo bạn bè quốc tế biết đến, đó là đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ngoài ra, khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm cũng là điểm đến được đông đảo du khách tìm đến. Từ nhiều năm qua, dù kinh tế Quảng Nam còn khó khăn nhưng nhân dân hết sức coi trọng việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế cũng rất quan tâm, hỗ trợ tích cực cho Quảng Nam.

Từ năm 1997 đến 2014, ngoài những hỗ trợ quý giá về mặt kỹ thuật thông qua đội ngũ chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm, hai di sản văn hóa đã nhận được khoảng hơn 79 tỷ đồng tài trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Riêng Khu di tích Mỹ Sơn nhận được tổng giá trị tài trợ khoảng 75 tỷ đồng của các tổ chức UNESCO, JICA (Nhật Bản), Lerici Foundation (Italy), America Exress (Hoa Kỳ).

Trong các năm từ 2009 - 2014, Quảng Nam tiếp tục nhận được nhiều dự án hỗ trợ phát triển du lịch, dựa vào khai thác văn hóa địa phương để phát triển du lịch bền vững, qua đó cải thiện sinh kế cho cư dân khu vực nông thôn, miền núi. Những trợ giúp này giúp xây dựng chiến lược, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, xây dựng và quảng bá thương hiệu, phát triển sản phẩm thủ công mỹ nghệ… Tiêu biểu là các dự án “Xây dựng chiến lược lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững tỉnh Quảng Nam”, “Tăng cường hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền ở tỉnh Quảng Nam”, “Du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu”… Trong đó, hầu hết các dự án đều có sự tham gia chủ động của người dân trong cộng đồng; đối tượng hưởng lợi chính của các dự án cũng chính là cộng đồng địa phương.

Thông qua các dự án, các nguồn lực địa phương như thiên nhiên, văn hóa, giá trị bản địa đã được sử dụng trên nền tảng được tôn trọng, bảo tồn và phát huy giá trị. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến Quảng Nam tăng hơn 10 lần trong giai đoạn 1999 - 2014, từ hơn 300.000 lượt khách năm 1999 lên hơn gần 3,7 triệu lượt khách vào năm ngoái. Quảng Nam cũng đã nhận được nhiều giải thưởng về du lịch, môi trường...

Tuy nhiên, việc bảo tồn hệ thống di sản, phát triển du lịch ở Quảng Nam cũng gặp phải không ít thách thức. Tỉnh đang có khoảng 350 di tích, đặc biệt là hai di sản văn hóa thế giới vốn nhạy cảm với biến đổi khí hậu như Mỹ Sơn và Hội An, công tác bảo tồn văn hóa trong những năm tới còn rất nhiều thách thức; đồng thời các dự án hỗ trợ về phát triển du lịch bước đầu đã mang lại một số kết quả tích cực, nhưng chưa được tổng kết, rút kinh nghiệm và định hướng phát huy hiệu quả trong những năm tới.

Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, thương hiệu, sản phẩm, nhân lực… của ngành du lịch Quảng Nam còn yếu, nên phần nào đó vai trò của các chuyên gia, tổ chức quốc tế vẫn cần thiết với công tác bảo tồn di sản văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch Quảng Nam trong tương lai.

Tại hội thảo này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam cũng giới thiệu một số dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và phát triển du lịch bền vững tại địa phương thời gian tới, trong đó có dự án hỗ trợ quảng bá du lịch biển, đảo ba địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên - Huế; hoạt động hỗ trợ du khách trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống Quảng Nam; đánh giá sức tải môi trường của vùng lõi khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm và đề xuất các giải pháp thực hiện chiến lược phát triển du lịch bền vững.


Theo vietnamtourism.com

View more random threads: