Quảng Ninh là một trong những tỉnh, thành sở hữu nhiều di sản văn hoá quan trọng trong cả nước; đặc biệt các di sản ở đây lại được phân bố đều khắp ở các địa phương. Đây là nguồn tài nguyên lớn để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch...














Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 608 di tích được xếp hạng, trong đó, nổi bật nhất là Vịnh Hạ Long được tổ chức UNESCO 2 lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Cùng với Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh còn có các di tích quốc gia đặc biệt như: Khu di tích lịch sử - danh thắng Yên Tử (TP. Uông Bí), Khu di tích lịch sử Bạch Đằng (TX. Quảng Yên) và Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Ngoài ra, còn rất nhiều di sản văn hoá phi vật thể của các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 di sản khá nổi tiếng, đó là hát Then của người Tày và hát nhà tơ - hát múa cửa đình đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia. (Riêng di sản hát Then, hiện tỉnh đang phối hợp với 12 tỉnh khác có di sản này lập hồ sơ đề nghị nhà nước trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại).<o></o>

Các di sản văn hoá vật thể, phi vật thể trên đã, đang và sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch văn hoá, tâm linh. Để phát huy giá trị các di sản, Quảng Ninh xác định mục tiêu phát triển du lịch phải gắn với công tác bảo tồn. Từ đó, thời gian qua, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã cùng với chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp linh hoạt nhằm tăng cường quản lý, bảo tồn di tích, ban hành kịp thời nhiều văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể việc tu bổ, tôn tạo các di tích một cách hiệu quả; tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản v.v.. Nhiều địa phương trong tỉnh đã thực hiện tốt việc xã hội hoá công tác quản lý, bảo tồn di sản. Cùng với nguồn vốn của nhà nước, vốn huy động từ xã hội hoá đã góp phần đáng kể trong công tác tu sửa, tôn tạo, bảo tồn các di tích trên địa bàn.<o></o>

Hiện tại, Quảng Ninh có nhiều di sản văn hoá đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du lịch địa phương. Trong đó nổi bật nhất là di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, di tích danh thắng Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu, Thiền viện Trúc Lâm Giác tâm, chùa Ba Vàng... Trong đó, có những điểm đến thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Nguồn thu này cũng góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn các giá trị của di sản.<o></o>

Không chỉ các di sản văn hoá vật thể, các di sản văn hoá phi vật thể của Quảng Ninh cũng rất phong phú và đa dạng, mang những nét đặc trưng của vùng đất như lễ hội Yên Tử, đền Cửa Ông, lễ hội Tiên Công, đình Trà Cổ v.v. hay các phong tục, tập quán, những hình thái diễn xướng hát giao duyên của ngư dân làng chài trên Vịnh Hạ Long, hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ, lễ cấp sắc của người Dao v.v.. Tất cả đều có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch để thu hút khách.<o></o>

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, trong công tác bảo tồn di sản hiện nay còn một thực tế, đó là ở một số nơi đã tự đầu tư bằng nguồn kinh phí từ tiền quyên góp của nhân dân, để tôn tạo, khôi phục các đình chùa, miếu, lễ hội, thậm chí xây mới các công trình văn hoá, tôn giáo - tín ngưỡng... Và với cách làm ấy, không ít di tích, di sản được đầu tư bảo tồn, tôn tạo theo kiểu phong trào, chất lượng kém, thậm chí là làm biến dạng các di tích.<o></o>

Theo ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hoá đạt được hiệu quả cao, là “sản phẩm” của ngành công nghiệp không khói phục vụ khách du lịch, trước hết, việc bảo tồn di sản phải đảm bảo đúng yêu cầu của Luật Di sản văn hoá, nghĩa là phải đảm bảo đúng nguyên tắc bảo lưu tối đa những giá trị nguyên gốc của di sản. Theo đó, việc bảo tồn phải tuân thủ triệt để các quy định của quốc tế và trong nước, tránh tác động nhiều vào di tích và cố gắng duy trì, bảo quản nguyên trạng di tích như khi phát hiện là tốt nhất. Những di tích còn giữ được nhiều nét nguyên bản, thường có giá trị hấp dẫn nhiều hơn đối với du khách. Khai thác có hiệu quả giá trị các di sản văn hoá để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh cao, thu hút khách du lịch; phát triển du lịch di sản văn hóa gắn với phát triển cộng đồng... Ông Hà Quang Long cũng cho rằng, việc nghiên cứu, khai thác các giá trị văn hoá để tạo thành những sản phẩm du lịch mới tại các khu vực có di sản là hết sức cần thiết, nhằm làm tăng thêm giá trị cho các di sản, đa dạng hoá các loại hình du lịch và có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng người dân trong khu vực. Phát triển du lịch phải gắn với việc bảo tồn, phát huy bền vững các giá trị của di sản…<o></o>


Theo vietnamtourism.com

View more random threads: