(TITC) – Triển khai Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch năm 2015, sáng ngày 9/12/2015, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch) tổ chức hội thảo “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Đồng bằng sông Hồng”. Ông Nguyễn Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch chủ trì buổi hội thảo.













Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn phát biểu khai mạc




Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng; đại diện Hiệp hội Du lịch, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch và các doanh nghiệp lữ hành.<o></o>

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh ý nghĩa của hội thảo nhằm đánh giá đầy đủ giá trị tài nguyên du lịch đặc sắc của các địa phương, làm cơ sở để xây dựng sản phẩm đặc thù cho vùng Đồng bằng sông Hồng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong và ngoài nước, góp phần khẳng định thương hiệu sản phẩm du lịch Vùng.<o></o>

Theo báo cáo đề dẫn của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, mục tiêu của nhiệm vụ là xác định rõ hệ thống sản phẩm đặc thù vùng Đồng bằng sông Hồng theo cấp quốc gia và cấp vùng; từ đó, cụ thể hóa, hướng dẫn phát triển sản phẩm đặc thù của Vùng phù hợp với nhu cầu thị trường, khai thác có hiệu quả giá trị tài nguyên du lịch đặc thù, tạo dựng thương hiệu và nâng cao sức cạnh tranh.<o></o>

Nhân tố quan trọng hàng đầu cấu thành nên sản phẩm du lịch đặc thù là các giá trị đặc thù của tài nguyên du lịch. Khu vực Đồng bằng sông Hồng (gồm thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng và các tỉnh Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định) có hệ thống tài nguyên du lịch mang ý nghĩa quốc gia với các giá trị của nền văn minh sông Hồng (văn hóa làng xã, nông nghiệp nông thôn), các di sản thế giới, Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam (ngôi nhà chung của 54 dân tộc anh em), thủ đô Hà Nội, tài nguyên du lịch tâm linh, hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, bảo tàng… Đồng thời, Đồng bằng sông Hồng còn có hệ thống tài nguyên du lịch mang ý nghĩa vùng và địa phương với sự đa dạng sinh học, khí hậu phong phú, các thành tựu kinh tế khoa học kỹ thuật, các làng nghề truyền thống, tài nguyên du lịch biển đảo, ẩm thực… Từ đó tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch homestay, sinh thái nông nghiệp, tham quan các di sản thế giới, nghiên cứu các giá trị văn hóa dân tộc, du lịch MICE, du lịch ẩm thực, mua sắm, du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng…

<o></o>








Toàn cảnh hội thảo




Đặc biệt, việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù phụ thuộc rất lớn vào sự phát triển của thị trường khách du lịch. Cần xác định rõ sản phẩm du lịch đặc thù cấp quốc gia của vùng Đồng bằng sông Hồng là các sản phẩm có sự khác biệt, hấp dẫn, có khả năng thu hút nhiều thị trường khách. Trong khi đó, các sản phẩm du lịch đặc thù nội vùng lại thu hút chủ yếu là khách nội địa.<o></o>

Để xác định và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng cần nâng cao vai trò quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch trong chỉ đạo phát triển du lịch và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù; đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng và các địa phương với các cơ quan quản lý nhà nước; tạo cơ chế thu hút đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc thù; khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên; xúc tiến, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc thù.<o></o>

Tại buổi hội thảo, đa số các đại biểu tham dự đều cho rằng khu vực Đồng bằng sông Hồng có nhiều lợi thế về di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Việc đẩy mạnh liên kết vùng cần nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của thủ đô Hà Nội với lịch sử lâu đời và tài nguyên văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách phù hợp, thông thoáng để thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, tạo ra những sản phẩm du lịch chất lượng và phù hợp, hài hòa với bản sắc văn hóa của mỗi địa phương trong Vùng…<o></o>

Tin, ảnh: Thu Thủy<o></o>


Theo vietnamtourism.com