Ngày 20/12, tại Thái Bình, Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành (Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp Bảo tàng tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật khảo cổ học di tích Hành cung Lỗ Giang lần thứ hai - năm 2015.










Ảnh Internet




Theo đó, trong đợt khai quật lần này đã tìm thấy nhiều hiện vật, dấu tích có giá trị như dấu vết móng trụ sỏi gia cố chân cột, bó nền gạch, các khoảng sân, móng trụ sỏi, nền sân gạch, dấu vết bó nền gạch, mảnh tượng cổ rồng, sành, gốm sứ, các cụm ngói (ngói mũi sen, ngói mũi lá, ngói lót), lá đề (lá đề cân, lá đề lệch trang trí hình rồng), mảnh đầu đao, tượng đầu rồng, gạch… Đặc biệt, vật liệu kiến trúc thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn cũng được tìm thấy trong lần khai quật này.

Kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ đã cung cấp thêm rất nhiều tư liệu quan trọng không những minh chứng sinh động và rõ ràng về vị trí của Hành cung Lỗ Giang xưa trên đất Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình mà còn cung cấp nhưng cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ hiệu quả cho công tác nghiên cứu, so sánh, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học về di tích, di vật thời Trần của khu di tích Hoàng thành Thăng Long nói chung và các di tích khoa học khác.

Được biết, từ tháng 8 đến tháng 12/2014, Bảo tàng tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu kinh thành tổ chức khai quật khảo cổ lần thứ nhất tại khu vực Đền Trần - Thái Lăng (còn gọi là Đền Thâm Động).

Từ việc kết hợp nghiên cứu các nguồn tư liệu lịch sử và thực tế khảo cổ, các nhà nghiên cứu đã làm rõ giai đoạn tồn tại, vai trò, vị trí, kết cấu của công trình kiến trúc hành cung Lỗ Giang (còn gọi là hành cung Kiến Xương) dưới thời các vua Trần Hiến Tông, Trần Anh Tông. Đồng thời, lần đầu tiên làm rõ được không chỉ mặt bằng của một công trình kiến trúc mà là một tổ hợp ít nhất ba công trình kiến trúc kết nối với nhau trong một chỉnh thể có quy mô và sự nguy nga, tráng lệ được xây dựng công phu, đẹp đẽ mang tính chất cung điện, hoàng gia.


Theo vietnamtourism.com