Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: Internet)



(Cinet)- Tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản và kinh doanh sách điện tử diễn biến hết sức phức tạp, trở thành rào cản làm nản lòng các doanh nghiệp, nhà xuất bản muốn phát triển xuất bản điện tử.

Đánh giá của ông Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí – xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) tại Hội thảo xuất bản và phát hành sách điện tử tổ chức ngày 15/12 tại TP Hồ Chí Minh.

Hội thảo đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của sách điện tử trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay. Sách điện tử đã lấn át sách in truyền thống nhờ những ưu điểm vượt trội về công nghệ, tính năng, hình ảnh, gọn nhẹ, tiện lợi. Thông tin đa dạng phong phú và sống động. Nếu năm 2010, số người truy cập Internet qua điện thoại di động chỉ ở mức 27%, thì sau 4 năm tỷ lệ này đã tăng 38% và đạt mức 65% năm 2014. Thậm chí, theo dự báo khoảng 10 năm tới, sách in sẽ giảm chỉ còn bằng 50% hiện nay và thay vào đó là sách điện tử. Sách điện tử cũng được xem là cứu cánh của văn hóa đọc khi lượng trẻ em nhờ có nó mà quay lại đọc sách tăng cao, do nó có nhiều tính năng hấp dẫn, thuận tiện như: âm thanh, hình ảnh và tính tương tác cao.

Bên cạnh những thuận lợi, Hội thảo còn đề cập đến khó khăn, trong đó, vi phạm bản quyền vẫn là vấn nạn lớn đối với ngành xuất bản.

Vấn nạn e-book lậu, không bản quyền đang bị “phá giá” hoặc các cư dân mạng hồn nhiên chia sẻ miễn phí trên rất nhiều diễn đàn, phát tán rộng rãi trên các trang mạng trong và ngoài nước đã phát triển một cách chóng mặt trong thời gian qua như e-thuvien.com, 360-books.com, ebook4u.vn… Sự tồn tại của các website vi phạm bản quyền một cách công khai như vậy không chỉ làm thiệt hại trực tiếp cho tác giả và nhà xuất bản, phát hành sách điện tử mà còn làm xói mòn thị trường sách điện tử mới manh nha hình thành, để lại nhiều hệ lụy cả trước mắt cũng như lâu dài.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ khẳng định, đây là điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc xuất bản các ấn phẩm điện tử và nhiều năm nay, các nhà xuất bản, doanh nghiệp kinh doanh xuất bản điện tử đều rơi vào tình trạng phải bù lỗ. Từ khoảng năm 2008, trên thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện các website dạng diễn đàn, mạng xã hội tự tổ chức thu thập và chia sẻ sách điện tử miễn phí hoặc có thu phí với mức giá khá rẻ. Các website này không cần xin phép xuất bản/phát hành sách điện tử từ cơ quan chức năng và không trả tiền tác quyền cho tác giả.

Đại diện Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam cho biết, những website cho đọc sách này phát triển ở muôn hình vạn trạng, có đọc trực tuyến, tải file về máy tính dưới các định dạng PDF, epub, định dạng scan… Việc này không chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh e-book có bản quyền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thị trường sách điện tử có bản quyền phát triển được thì luật pháp phải là công cụ bảo vệ bản quyền chứ không phải kỹ thuật. Cần có một cơ chế kiểm soát hiệu quả hơn trong lĩnh vực phát hành sách điện tử, tài liệu số trái phép dựa trên những quy định pháp luật đã có. Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, có biện pháp chế tài các cá nhân đơn vị vi phạm bản quyền. Luật đang quản rất chặt các đơn vị phát hành sách điện tử có bản quyền nhưng hàng trăm đơn vị phát hành sách điện tử vi phạm bản quyền thì thản nhiên hoạt động bất chấp mọi quy định pháp luật. Bản thân doanh nghiệp không thể suốt ngày lùng sục trên mạng tìm từng tựa sách điện tử của mình bị vi phạm bản quyền để làm văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước can thiệp.

CN

Theo cinet.vn

View more random threads: