Ảnh minh họa



(Cinet)- Ionah, một chương trình biểu diễn nghệ thuật, giải trí tổng hợp, dẫu chưa vươn tới không gian nghệ thuật đỉnh cao như kỳ vọng, nhưng hiệu ứng giải trí của nó, thực sự khiến người xem mãn nhãn ngay từ những lần đầu công chiếu.

"Ionah" được viết từ các ký tự của từ "Hanoi", là tên của một chương trình nghệ thuật giải trí dành cho người Hà Nội, mang màu sắc của Hà Nội và đặc biệt là truyền tải ý đồ của ê kíp sáng tạo chương trình: "Tạo nên một bước thay đổi cách thức giải trí ở Thủ đô". Sự thay đổi đặc biệt nhất là: "Xem chương trình giải trí mà không có hát hò, không dựa vào ngôi sao. Đó là một show nghệ thuật tổng hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau như múa, kịch, xiếc, hip hop, âm nhạc, nghệ thuật thị giác… với sự hỗ trợ của công nghệ trình diễn tiên tiến, nơi các nghệ sĩ tập trung sáng tạo, kết hợp ăn ý để tạo nên một tác phẩm chung", tổng đạo diễn Phạm Hoàng Nam cho biết.

Sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật dẫn khán giả đến một vở diễn sân khấu có nội dung xuyên suốt đầy hấp dẫn.

Nhân vật chính của vở diễn là cô gái trẻ mang tên Ionah. Chênh vênh giữa hờn ghen, giận dữ của tình yêu, cô gái trẻ Ionah tình cờ rơi vào một thế giới siêu thực. Cô phiêu lưu trong ảo ảnh, gặp gỡ những nhân vật kỳ lạ và đấu tranh, vật lộn với những cảm xúc bất tận để thoát ra, trở về với tình yêu của mình. Câu chuyện của cô gái đó diễn ra trong nhiều bối cảnh từ quá khứ đến hiện tại với nhiều cảnh sắc quen thuộc của Hà Nội như cầu Long Biên, đoàn tàu, sinh hoạt của người dân ven sông…, được thể hiện trên một sân khấu mới, được thiết kế cho vở diễn. 12 phân cảnh với những hình ảnh, hiệu ứng âm thanh, ánh sáng ấn tượng sẽ đưa khán giả cùng trải quá những thăng trầm của các nhân vật.









Ionah thực sự khiến người xem mãn nhãn ngay từ những lần đầu công chiếu.





30 diễn viên đến từ nhiều môn nghệ thuật khác nhau đã miệt mài tập luyện trong nhiều tháng, để vào vai 68 nhân vật, vừa thể hiện kỹ thuật uốn dẻo, đu dây tài tình của xiếc, vừa có sự uyển chuyển, mềm mại của múa, lại mang được thần thái, hồn vía của sân khấu kịch và cả sự nhạy cảm về âm nhạc. Mỗi vũ công có một vai diễn riêng, có những người phải đảm nhận hai, ba vai, phải biến hóa theo tính cách nhân vật để thể hiện nội dung, đồng thời phải kết hợp vũ đạo với bạn diễn.

Với mỗi môn nghệ thuật khác nhau, người nghệ sĩ cũng sẽ đối mặt với những khó khăn riêng. Với những nghệ sỹ nhảy hip hop, họ thường nhảy trên một mặt phẳng, nhưng trong show diễn này họ lại phải nhảy trên mái nhà, hơn nữa lại rất dốc và rất nhiều lần đã bị chấn thương.

Còn đối với những vũ công múa, họ phải tiếp xúc với tất cả các loại hình nghệ thuật, phải tự tạo ra cảm xúc cho mình trên sân khấu. Bên cạnh đó, vở diễn này lặp lại một tuần ba buổi trong vòng 1 đến 2 năm, do đó việc duy trì nuôi dưỡng được cảm xúc trên sân khấu thực sự là điều rất khó đối với một diễn viên múa.

Có được dàn diễn viên hết mình trên sân khấu Ionah là nhờ công lớn của biên đạo múa Trần Ly Ly. Phần lớn họ đều là những gương mặt mới và rất trẻ. Không chỉ phát hiện, đào tạo, cô còn sang tận Mông Cổ, Canada…để săn lùng tài năng trẻ.









Trang phục và bối cảnh trong “Ionah” đều mang màu sắc trừu tượng, hiện đại.





Trang phục và bối cảnh trong “Ionah” đều mang màu sắc trừu tượng, hiện đại. Để có được thành quả ấy, NTK Công Trí đã mất 8 tháng bay ra bay vào giữa hai miền Nam – Bắc, thậm chí sang tận Las Vegas để tham khảo, tìm ý tưởng cho trang phục. Trước đến nay, vốn chỉ quen thiết kế đồ cho các siêu sao, người mẫu, “cuộc chơi” lần này khiến anh không khỏi đau đầu với việc làm sao để trang phục vừa đẹp, tiện lợi cho các cử động của diễn viên xiếc nhưng vẫn phải bền và giữ được màu sắc, đảm bảo show diễn có thể kéo dài vài năm.

Chương trình nghệ thuật “Ionah” cũng mang lại cho nhạc sĩ Quốc Trung nhiều thách thức mới mẻ. Lần đầu tiên, anh làm nhạc cho các nghệ sĩ xiếc. Diễn viên xiếc thường biểu diễn theo ngẫu hứng tự do mà không phụ thuộc vào tiếng nhạc. Bới vậy, để âm nhạc vừa mang hơi thở hiện đại, xóa mọi giới hạn không gian và thời gian nhưng vẫn phù hợp với tốc độ của xiếc là điều không hề dễ dàng với giám đốc âm nhạc Quốc Trung. Chỉ cần sai một nốt nhạc hoặc dài hơn một nhịp là có thể thay đổi diễn xuất của diễn viên, thậm chí thay đổi kịch bản của cả ê-kip.

Không đơn thuần là một chương trình biểu diễn đa loại hình độc đáo, “Ionah” còn bao gồm nhiều sự đột phá từ quy mô đầu tư, không gian biểu diễn. Sân khấu dạng bán nguyệt với diện tích 200m2, hàng ghế khán giả hình vòng cung để tạo sự tương tác tối đa với người xem. Máy chiếu công suất lớn tạo thành một không gian 3D vô cùng ảo diệu, cộng với lớp màn Led khổng lồ, màn Panel di động - những thiết bị hỗ trợ biểu diễn hiện đại.












30 diễn viên đến từ nhiều môn nghệ thuật khác nhau đã miệt mài tập luyện trong nhiều tháng, để vào vai 68 nhân vật





Toàn bộ hệ thống âm thanh, ánh sáng và hình ảnh trình chiếu trong 'Ionah' được căn chỉnh rất cầu kỳ, phức tạp. Mỗi một chuyển động của diễn viên trên sân khấu cảm tưởng rất linh hoạt và bay bổng nhưng mọi thứ đều đúng những vị trí đã fix cứng trên sân khấu, chính xác với từng nốt nhạc, từng giây ánh sáng chiếu xuống của rất nhiều loại đèn sân khấu khác nhau. Khi công chiếu vở diễn, toàn bộ hệ thống âm thanh ánh sáng, hình ảnh được set up để tự động chạy timecode. Điều này giúp đảm bảo những hiệu ứng mà khán giả được nhìn thấy trên sân khấu là hoàn hảo nhất, không hề có sự tác động của con người. Trước đó, đội ngũ hậu trường và diễn viên phải tập luyện vô cùng vất vả để đạt đến độ thành thục, có sự chính xác cao, không để xảy ra sai sót.

Do vậy thật dễ hiểu khi nhà tổ chức tự tin cho rằng "Ionah là sản phẩm sáng tạo của người Việt và nó xứng tầm quốc tế". Với họ, đây vừa là một cuộc chơi để thỏa mãn đam mê nghệ thuật, vừa là để góp phần tạo nên một món ăn tinh thần mới cho khán giả, từ đó kỳ vọng tạo nên một diện mạo mới cho sân khấu giải trí ở Việt Nam.









Chương trình nghệ thuật giải trí tổng hợp “Ionah” sẽ được bán vé phục vụ khán giả với tần suất từ 3 đến 4 buổi diễn/tuần tại Nhà hát 87 Láng Hạ.



TD

Theo cinet.vn