Nguyễn Huy Tưởng và những áng văn thấm đẫm hồn dân tộc.



(Cinet)- Tuy chỉ sống một cuộc đời không dài nhưng những sáng tác văn chương của Nguyễn Huy Tưởng để lại là cả một khối lượng không nhỏ. Với các tác phẩm kịch, tiểu thuyết, truyện cho thiếu nhi, ông đã khẳng định vai trò nhà văn của mình với một tư cách công dân đĩnh đạc và vai trò công dân của mình với sứ mạng của một nhà văn chân chính.

Người dẫn dắt tìm hiểu lịch sử nước nhà

Ngay từ khi còn đang đi học, Nguyễn Huy Tưởng đã băn khoăn về con đường đi của mình và ông đã sớm xác định cho mình thiên chức văn chương: “Phận sự một người tầm thường như tôi muốn tỏ lòng yêu nước thì chỉ có viết văn quốc ngữ thôi” (nhật ký năm 18 tuổi).

Trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Huy Tưởng luôn cẩn trọng trong từng câu chữ. Những trang viết ông để lại đều có giá trị, nó làm sống dậy một cách thật cảm động những trang sử hào hùng của cha ông, khơi dậy cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, yêu truyền thống lịch sử - văn hóa nước nhà. Trong “Nhật ký tư tưởng” của mình, Nguyễn Huy Tưởng từng viết: “Người không biết lịch sử nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được, mà cày ruộng nào cũng được”.

Ngược dòng thời gian trở về với quá khứ lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Nguyễn Huy Tưởng đề cập đến công cuộc dựng nước, giữ nước của vua tôi Âu Lạc trong buổi bình minh của dân tộc. Truyện “An Dương Vương xây thành Ốc” đã nói lên công lao to lớn của An Dương Vương trong việc đắp lũy xây thành, bảo vệ bờ cõi biên cương, chống lại của kẻ thù xâm lược. Hình ảnh Loa thành sau nhiều đêm xây đi xây lại hiện lên một cách rực rỡ, uy nghi giữa cánh đồng cỏ bao la là một biểu tượng đẹp của lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết và quyết tâm bảo vệ non sông. Ngày nay những dấu tích của Loa thành vẫn còn in dấu vết trên đất Cổ Loa và những trang văn của Nguyễn Huy Tưởng đã giúp thế hệ trẻ bổ khuyết, lấp đầy những tri thức mà lịch sử còn bỏ ngỏ để thấy được công lao của cha ông trong công cuộc dựng nước và giữ nước, để thêm yêu, thêm quý Tổ quốc mình.

Trong tiểu thuyết “An Tư”, Nguyễn Huy Tưởng đã tái hiện một cách sinh động những chiến công vang dội của nhà Trần như trận Hàm Tử, Chương Dương gắn liền với tên tuổi của các vị tướng dũng mãnh, tài ba như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản… Đan xen với cuộc chiến, nhà văn đã khắc họa thành công cuộc tình bi thương của cặp trai tài gái sắc Trần Thông và công chúa An Tư. Ông bày tỏ niềm cảm phục tấm lòng vì nước, vì sự an nguy của xã tắc mà An Tư - người con gái đẹp nhất trời Nam phải chịu hi sinh thân mình làm vật cống nạp cho tướng giặc Thoát Hoan, góp phần quan trọng vào chiến thắng chung của quân dân nhà Trần.






Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng.



Tham gia Văn hóa cứu quốc từ năm 1943, hoạt động trong phong trào Mặt trận Việt Minh, được cử đi dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, nên khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi (1945), Nguyễn Huy Tưởng đã vui sướng mang toàn tâm, toàn lực phục vụ sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Thời kỳ này, ông viết những ký sự phản ánh kịp thời, sinh động khí thế cách mạng và kháng chiến, như “Ký sự Cao Lạng”, “Anh Sơ đầu quân”, “Chiến sĩ ca nô”… Là nhà văn của nước Việt Nam mới, trọn đời gắn bó với cách mạng, trực tiếp tham gia công tác lãnh đạo văn hóa, văn nghệ của Đảng, hơn ai hết Nguyễn Huy Tưởng hiểu thực trạng của đời sống văn nghệ nước nhà. Văn nghệ phải phục vụ kháng chiến, văn nghệ phải có mặt kịp thời tại những nơi mà Đảng yêu cầu, đó là nhiệm vụ của văn nghệ lúc này.

Viết về Thăng Long - Hà Nội thời kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Huy Tưởng không giấu nổi niềm xúc động, tự hào trước khí thế sục sôi, tinh thần quyết chiến quyết thắng của các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Những chàng trai, cô gái ngày hôm qua còn là những cô cậu học trò nay đã thành những cảm tử quân, quyết tâm ở lại để bảo vệ phố phường. Trong “Sống mãi với Thủ đô”, trước giờ nổ súng, nhân vật Trần Văn đã có những cảm xúc mãnh liệt về “Cái thành phố già nua của anh, trải qua nhiều tàn phá của gió bão, nhiều đổi thay của xã hội, đã hơn một lần có những buổi sáng như hôm nay, lúc mà những sinh hoạt đầy màu sắc của hè đường đột nhiên im ắng thì cũng là lúc người dân mới chú ý tới và yêu thương thêm những mái nhà nho nhỏ ép vào nhau im lìm trên nền trời, kề bên những hàng cây um tùm, ủ rũ, thầm thì trong những suy nghĩ và đàm luận muôn đời, để chịu đựng, chống chọi và cố vươn lên”… “Hà Nội thiếu lâu đài nhưng không thiếu cảnh… Ở trên thế giới đâu có Hồ Gươm, Hồ Tây ở giữa Thủ đô. Ở đâu có con sông nước đỏ chảy qua?”.

Với tình yêu Hà Nội, ngoài việc quan tâm đến tính lịch sử của sự kiện, Nguyễn Huy Tưởng còn chú trọng tới việc khai thác vẻ đẹp của Thủ đô trong chiều sâu văn hóa, trong tâm hồn người Hà Nội. Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng bày tỏ cảm xúc trước “những cái tên sách (Sống mãi với Thủ đô, Lũy hoa) gợi lên hình ảnh một cái đài tưởng niệm bằng ngôn ngữ, một vòng nguyệt quế từ bàn tay nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đặt lên trán những trai thanh, gái lịch của Hà Nội rất giàu lòng yêu nước”.

Người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam

Truyện cổ tích dân gian của Việt Nam rất phong phú. Sáng tác truyện cổ tích không phải là “độc quyền” của ai cả. Nhưng những truyện cổ tích của Nguyễn Huy Tưởng chính là sự khởi đầu mẫu mực. Truyện cổ tích của ông là những sáng tác thực sự mang dấu ấn của riêng ông. Truyện “Con Cóc là cậu ông Giời” dựa theo cốt truyện dân gian, nhưng ngôn ngữ thì thật là chọn lọc, đầy chất sử thi rất Nguyễn Huy Tưởng. Truyện “An Dương Vương xây thành Ốc” có nhiều yếu tố ly kỳ, hấp dẫn, do ông sáng tạo nên, không tìm thấy trong huyền sử. Đến truyện “Thằng Quấy” và nhất là truyện “Tìm mẹ” thì đã hoàn toàn là của ông, từ ngôn ngữ đến nội dung, tình tiết, mà ta có thể định danh là “Truyện cổ tích Nguyễn Huy Tưởng” như cách người ta vẫn gọi “Truyện cổ Andersen” hay “Truyện cổ Grim”. Ở những truyện này, bối cảnh Tây Nguyên chỉ là cái cớ, cái “vỏ” để ông sáng tạo, thậm chí cuối truyện “Tìm mẹ”, Nguyễn Huy Tưởng còn chú thêm là “Theo một truyện cổ tích Tây Nguyên”. Nhưng rõ ràng đây chỉ là một thủ pháp để tác giả tạo dấu ấn cho tác phẩm của mình. Có nhà nghiên cứu còn để công đi tìm “nguyên mẫu” của câu chuyện này trong các bộ sưu tập truyện cổ tích, nhưng đều không thấy. Điều đó càng cho thấy tính độc đáo của tác phẩm Nguyễn Huy Tưởng.






Hội thảo "Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng - Từ khởi nguồn Dục Tú - Đông Anh" diễn ra hôm 17/7 tại Hà Nội.



Nguyễn Huy Tưởng cũng là người tiên phong viết truyện lịch sử cho thiếu niên. Cho đến nay chưa có tác phẩm nào vượt qua được “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của ông về thể loại này. Tác phẩm của ông thực sự đã tác động đến thế hệ trẻ, nhất là trong những năm đất nước có chiến tranh.

Với “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”, Nguyễn Huy Tưởng thể hiện một cách sống động hào khí chống giặc của quân tướng nhà Trần, đặc biệt là thể hiện chân dung người tướng trẻ Trần Quốc Toản. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” vẫn luôn là người bạn thân thiết của các thế hệ trẻ thơ Việt Nam. Tác phẩm có nhiều đoạn trích được đưa vào sách giáo khoa tiểu học. Đó vẫn là những bài học vô cùng sống động về tình yêu quê hương đất nước, về ý thức khi Tổ quốc lâm nguy cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Những tác giả viết truyện lịch sử cho thiếu nhi như Hà Ân và Lê Văn Lan (bút danh An Cương, An Ly) đều cho rằng, sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng đã gợi mở và thôi thúc họ cầm bút. Và họ coi Nguyễn Huy Tưởng là bậc thầy để noi theo.

Đời viết Nguyễn Huy Tưởng không dài, chính thức là 20 năm kể từ vở kịch “Vũ Như Tô” (1941) đến tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” (xuất bản năm 1961, một năm sau khi tác giả qua đời). Ra đi ông còn ôm ấp bao dự định sáng tạo đồ sộ và tâm huyết lớn lao. Tác phẩm của ông không những gây được tiếng vang trong dư luận và quan trọng hơn là, tiếng nói văn chương ấy như tiếng vọng thời gian ngân mãi trong tâm hồn bạn đọc các thế hệ.

T.H



Theo cinet.vn

View more random threads: