Ảnh minh họa (nguồn: internet)



(Cinet)- Là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ XX, Văn nghiệp Nam Cao đã làm phong phú thêm những giá trị tinh thần trong đời sống con người, đánh dấu và khẳng định bước tiến của văn học dân tộc trên hành trình hội nhập với thế giới. Tác phẩm của ông qua sự tiếp nhận của nhiều thế hệ độc giả đã trở thành những chuẩn mực cho nền văn xuôi hiện đại, tạo nên niềm say mê đồng cảm của hàng triệu trái tim độc giả Việt Nam.

Nam Cao – Cuộc đời và sự nghiệp

Nhà văn Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri. Ông sinh năm 1915 tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, phủ Lí Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Trước cách mạng, các tác phẩm của Nam Cao tập trung vào hai đề tài chính: người trí thức tiểu tư sản nghèo và người nông dân nghèo với những truyện ngắn nổi bật như: Trăng sáng, Đời thừa, Chí Phèo, Lão Hạc, Một đám cưới, Dì hảo, Nửa đêm,…và tiểu thuyết Sống mòn

Sau cách mạng tháng tám, Nam Cao có những tác phẩm tiểu biểu ca ngợi công cuộc kháng chiến, khẳng định lập trường và thái độ đúng đắn của nhà văn đối với nhân dân và cách mạng như: truyện ngắn Đôi Mắt (1948), Nhật ký ở rừng (1948) và tập bút ký Truyện biên giới (1950). Sáng tác của ông trong thời kỳ này ca ngợi công cuộc kháng chiến, khẳng định lập trường và thái độ đúng đắn của nhà văn đối với nhân dân và cách mạng.






Một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Nam Cao (nguồn: internet)



Trong cuộc đời cầm bút, Nam Cao đã tự khẳng định được mình với tư cách là nhà văn luôn tìm tòi đổi mới cả về nội dung phản ánh lẫn phương thức thể hiện. Ông luôn suy nghĩ về vấn đề Sống và Viết, có thể nói, nhắc đến Nam Cao là nhắc đến chủ nghĩa hiện thực trong Văn học Việt Nam từ 1930 đến 1945. Ông không chỉ là đại biểu xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam mà còn là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam thế kỷ XX với những tác phẩm chất lượng, không bị bó hẹp bởi khuôn khổ không gian và thời gian.

Nhà văn của những con người khốn khổ

Đối với Nam Cao, cái quan trong hơn cả trong nhiệm vụ phản ánh chân thật cuộc sống là những quy chuẩn của tư tưởng, của nội tâm nhân vật. Cũng bởi vậy mà trong hầu hết các tác phẩm của ông đều nổi bật lên quyền khát khao được sống, được làm người lương thiện. Chính những điều đó đã chạm đến cái cơ bản nhất mà văn chương của mọi thời đều hướng tới và từ đó tạo nên sự trường tồn và sức sống lâu bền cho các sáng tác của Nam Cao trong hàng thập kỷ.

Điểm đặc biệt trong văn chương của Nam Cao nằm ở chỗ, ông có thể đi sâu vào mọi ngóc ngách tâm lý của nhân vật. Nhờ vậy, ông khắc họa được những điển hình độc đáo, tạo nên nhiều đoạn đối thoại và độc thoại nội tâm rất chân thật, sâu sắc.

Truyện ngắn Nam Cao mang tính triết lý nhân văn mà lại không hề khô khan. Trong mỗi trang văn của Nam Cao đều thấm đẫm cảm xúc với tình yêu thương và cảm thông sâu sắc với những phận đời trong xã hội. Cũng bởi vậy, nhiều người nói ông chính nhà văn của những người khốn khổ, tủi nhục nhất trong xã hội thực dân phong kiến. Minh chứng cho điều đó, chúng ta có thể thấy trong các tác phẩm của ông, với những cuộc đời như Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc,... tuy mỗi người một tính cách, một số phận khác nhau nhưng tất cả đều là những con người vốn lương thiện, họ muốn làm người lương thiện và khát khao tìm kiếm một cuộc sống bình dị, hạnh phúc.






Hình ảnh Chí Phèo trong bộ phim "Làng Vũ Đại ngày ấy"- Một trong những hình tượng nhân vật tiêu biểu trong sáng tác của Nam Cao (nguồn: internet)



Mặt khác, khi nói về quan điểm nghệ thuật, các tác phẩm của Nam Cao đều toát lên trong đó những xúc cảm về tình thương và tình người. Với việc phản ánh đa dạng và rất thành công về những nhân vật có số phận khác nhau, những sáng tác của Nam Cao đã mang lại những giá trị và thông điệp ý nghĩa về quyền được sống, được làm người. Bởi lẽ đó mà các hình tượng nhân vật trong tác phẩm của Nam Cao luôn có một dấu ấn vô cùng mạnh mẽ trong tâm trí người đọc, thậm chí ám ảnh người đọc ngay cả ngoài đời thường.

Nói về nhà văn Nam Cao, tại Hội thảo kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Nam Cao, Giáo sự Phong Lê đã khẳng định: “Trong suốt cuộc đời, nhà văn Nam Cao chưa bao giờ được hưởng vinh quang từ tác phẩm của mình, một đời thầm lặng, nhưng ông không ngờ rằng chính mình là người đưa văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 lên đỉnh cao. Cuộc đời và sự nghiệp Nam Cao kết thành một phù điêu lịch sử trong văn chương hiện đại”.

Bên cạnh đó, nhiều nhà nghiên cứu đã nhìn nhận Nam Cao là một nhà văn hiện thực phê phán xuất sắc nhất, một người kết thúc vẻ vang trào lưu hiện thực.

Đối với nền văn xuôi hiện đại những sáng tác của Nam Cao đã có sự phát triển thực sự ở chiều sâu, ở khả năng phân tích các quá trình tâm lý phức tạp, biến động, mong manh của các hạng người. Cái hay của văn Nam Cao, ta chỉ có thể thấy được và cảm được bằng cách đọc nó; cũng chính bởi thế mà các tác phẩm ông luôn có một sức sống mãnh liệt, thách thức cả không gian và thời gian.

Mười năm - một sự nghiệp, tài năng ấy đã để lại cho nền văn học nước nhà những đóng góp vô cùng to lớn. Tất cả đã làm nên một Nam Cao với một trái tim cao cả, một tượng đài bất hủ trong nền văn học Việt nam thế kỷ XX.

CN



Theo cinet.vn