Ngược dòng với Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Ảnh: Internet)



(Cinet)- Người xem ngược dòng cảm xúc với những ký ức tuổi thơ trong trẻo, điện ảnh Việt ngược dòng, từ những bộ phim “câu khách”, trở về tìm lại bản sắc riêng. “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, bộ phim của đạo diễn Victor Vũ được kỳ vọng sẽ là sự khởi điểm cho những tín hiệu đáng mừng của nền điện ảnh Việt Nam.\r
Sự nghèo khó và tình thương yêu\r
Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên được công bố, "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" đã mang lại 90 phút ngập đầy hoài niệm và cảm xúc cho khán giả.\r
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã khai thác vào khía cạnh mà điện ảnh Việt đang rất thiếu trong nhiều năm gần đây, đó là thế giới tuổi thơ nên thơ, trong trẻo đến ngỡ ngàng, với câu chuyện cảm động về tình anh em, và những cảm xúc đầu đời rất thật của cậu bé 15 tuổi ở một làng quê ven biển vào cuối những năm 80. Đúng như những gì được mong đợi, bộ phim đã lấp đầy cả cảm quan nghệ thuật lẫn trái tim của người xem, bằng những khuôn hình thuộc dạng đẹp nhất của phim Việt, và chất tình cảm lắng đọng được thể hiện tinh tế gọn gàng.\r
Với hai chủ đề chính là sự nghèo khó và tình yêu thương, bộ phim rất dễ đánh động lại những kỷ niệm xưa cũ, dễ lấy được sự thương cảm và đồng cảm với những nhân vật trong phim của khán giả.






"Lòng ta như giếng khơi, không một giọt mưa nào chạm đáy" (Trích hội thoại trong phim)





"Trẻ con thì không biết nuôi nấng nỗi buồn lâu dài như người lớn" (Trích hội thoại trong phim)



\r
Người xem có thể “cảm” thấy họ, chân thực đến rõ rang, không chỉ với bộ ba Thiều-Tường-Mận do Thịnh Vinh, Trọng Khang, và Thanh Mỹ đảm nhiệm. Xuất sắc nhất có lẽ là Thanh Mỹ. Vai Mận của em hẳn sẽ khiến nhiều người nhớ lại một người bạn thơ ấu nào đó, từ lối nói chuyện đúng kiểu trẻ con, ánh mắt ngại ngần, vẻ đẹp của sự ngây thơ và tính cách chịu thương chịu khó. Người xem sẽ thương và tội nghiệp cho Mận theo đúng cách Thiều thương và tội nghiệp Mận, “thương nó ghê ha?” Diễn xuất chững chạc của Thanh Mỹ thuyết phục ở cả những cảnh thông thường cho đến cao trào.\r
Trong hai anh em còn lại, Trọng Khang mang đến nhiều sự lo lắng nhất, bởi em có vẻ “lép vế” so với Thịnh Vinh trong trailer, về ngoại hình và cả diễn xuất. Nhưng điều đó không hề xảy ra. Khang và Vinh đều có đất diễn riêng của mình, và hỗ trợ cho nhau. Nếu Thịnh Vinh thể hiện được sự phức tạp trong nội tâm bằng ánh mắt hút hồn, thì thế mạnh của Khang đến từ khí chất sáng trong của em. Vào vai người em cao thượng, tốt bụng, mà không hề giả tạo, Tường là nhân vật lấy nước mắt nhiều nhất. Các nhân vật khác cũng có được sự gần gũi như thế. Chúng ta thương Thiều-Tường-Mận, và sẽ thương cả những người cha người mẹ lam lũ của chúng, thương cả làng quê nghèo quanh năm lũ lụt. Bởi đó không gì khác ngoài con người và cuộc sống rất Việt Nam đang hiện lên trên màn ảnh.\r
Một câu chuyện giản dị, trong sáng được truyền tải bằng những thước phim đẹp say hồn, đậm chất điện ảnh. Từ những góc quay rộng với khung cảnh làng quê tươi tắn và rực rỡ, đến những góc quay hẹp nơi sân nhà, các căn phòng với sự sắc nét của hình ảnh. Tác giả đã khéo chắt lọc những chi tiết rất “sáng”, rất tinh tế, mang hơi thở cuộc sống, như cảnh cả gia đình ngồi co ro ăn cháo trắng với muối, hay cảnh cánh hoa bươm bướm vàng rơi khỏi tay cô bé trong rạp xiếc; khung cảnh lớp học với áo trắng quần xanh, khăn quàng đỏ; cảnh Thiều ngồi học dưới ánh đèn dầu, cạnh những tập sách dày ố vàng; đêm trung thu giữa sân đình, với đèn lồng kiếng đỏ soi sáng những gương mặt ngây ngô…. Lại thêm âm nhạc du dương, bay bổng của bài hát “Thằng cuội”, dàn diễn viên ngây thơ ngồ ngộ, ngay cả những diễn viên lớn cũng thấy tồi tội, chân thật đến nghẹn ngào.\r
Tất cả tạo cho người xem cảm giác sống động, chân thật về cuộc sống nông thôn giản dị thuần Việt, như thể người ta đang ngửi thấy mùi thơm của rơm rạ, nhìn thấy các mùng vải trắng, cầm được cái cà- men cũ kỹ đựng đồ ăn, đôi quang gánh nhẵn thín hay chiếc xe bò dầm mưa nắng…\r
Tín hiệu đáng mừng\r
“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là bộ phim do Cục Điện ảnh hợp tác với Galaxy M&E, Phương Nam Phim, Saigon Concert, PS Việt Nam và Truyền hình K+ phối hợp sản xuất. Phim có kinh phí sản xuất gần 20 tỷ đồng. Bộ phim như một làn gió lạ đánh thức một năm mà điện ảnh Việt “ngập” trong phim hài và tình cảm lãng mạn. Sự mới mẻ của nội dung phim và sự “can đảm” của những nhà đầu tư mà trong đó đứng đầu là Cục Điện Ảnh đã nhận được sự ủng hộ vô cùng lớn từ cộng đồng. \r
Nói như đạo diễn Việt Linh, đây là cuộc nắm tay ngoạn mục, đúng lúc. Bởi lâu nay, phim của nhà nước thì èo uột bám lấy các chủ đề chiến tranh, dân tộc mà chưa tạo được kết nối với người xem; trong khi đó phim tư nhân chất lượng kém lại đang làm mưa làm gió trên thị trường phim. Thành công của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là tín hiệu đáng mừng, rất có thể từ đây sẽ hình thành nên một xu hướng mới.






"Những ngày ẩm ương chưa lớn mà cũng chẳng còn nhỏ, có ai chưa từng dõi mắt nhìn theo một ai. "\r
(Trích hội thoại trong phim)






"Ngồi im trong gió nghe đêm rớt. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"... (Trích hội thoại trong phim)



\r
Với đạo diễn bộ phim, Victor Vũ, anh vốn đã thành công ở rất nhiều thể loại phim, từ tâm lý, kinh dị đến phim cổ trang… Anh đã dần xác lập tên tuổi như một trong những đạo diễn phim thị trường xuất sắc nhất hiện nay. Với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, thì dường như người đạo diễn tài ba này đã khước từ những thể loại trước đó để mạo hiểm đào sâu vào một sân chơi mới với một thể loại hoàn toàn khác, đó là những ký ức tuổi thơ trong trẻo.\r
Tuy nhiên, với anh, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hoàn toàn không phải là sự chuyển hướng, mà là sự trở về cho điều anh muốn làm đầu tiên khi anh đến với điện ảnh: làm phim về gia đình. Giống như những bộ phim trước, dù ở thể loại nào, Vũ cũng muốn mang đến một không khí Việt, khao khát được miêu tả vùng đất quê hương, điều mà anh không được trải qua bởi sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Anh từng chia sẻ, thực hiện bộ phim này vừa khó vừa dễ. Khó vì phải khai thác một tuổi thơ mà anh không có. Nhưng dễ vì đây là một câu chuyện giàu cảm xúc và rất “tình”, nó nói lên những điều mà mọi người đều có thể cảm nhận.\r
Không cần câu khách bằng sốc, ***,… không cần các pha kịch tích, li kỳ, gai góc, không cố tìm kiếm những nút thắt, mở; không cần những trò biến hóa “ phù thủy”… bộ phim vẫn tạo được cú nhảy khá ngoạn mục cho điện ảnh Việt, chỉ bằng cảm xúc và với cảm xúc. Để đến kết thúc bộ phim, người xem mỉm cười viên mãn, hóa ra, những điều gây xúc động nhất, lại đến từ những điều bình thường và dung dị nhất.\r
Bởi vậy, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không đơn thuần là một bộ phim hay, nó mang đến hy vọng vào một sự thay đổi của điện ảnh Việt đang không ngừng tăng về lượng nhưng giảm về chất, hy vọng vào những cái bắt tay chặt chẽ, gắn bó giữa nhà nước và tư nhân.\r
“Hoa vàng trên cỏ xanh” chính là cuộc “trở về nhà” sau một hành trình dài, có lẽ không chỉ với Victor Vũ, mà còn với cả nền điện ảnh Việt.\r
\r
TD

Theo cinet.vn

View more random threads: