Văn học mạng hiện đang là một hình thức tiếp cận phổ biến,\r
thu hút sự chú ý của độc giả (nguồn: internet)



(Cinet)- Cùng với quá trình hội nhập quốc tế và sự bùng nổ của công nghệ thông tin, Internet và các diễn đàn dành cho văn chương đang là công cụ hữu hiệu giúp những người viết trẻ sớm đến với thành công. Đó cùng chính là điều kiện tiên quyết hình thành nên một hình thức văn học vô cùng mới mẻ với cái tên “văn học mạng”.\r
Sân chơi đầy thử thách\r
Sự phát triển của Internet đã làm thay đổi rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có văn học. Nếu như trước đây người viết thường gửi bản thảo tới đơn vị xuất bản, hoặc phải có tác phẩm đoạt giải các cuộc thi… mới có những cuốn sách giấy được xuất bản và đến với bạn đọc thì ngày nay, việc tiếp cận với độc giả đã trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều chỉ bởi một cú kích chuột trên internet.\r
Như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã nói, "nếu không có mạng, có lẽ nhiều người sẽ không bộc lộ tiềm năng văn học… Mạng khơi gợi tiềm năng sáng tạo, tạo điều kiện cho những ai có mầm mống văn chương trong người, và nâng đỡ họ trở thành nhà văn". Môi trường mạng có sức lan tỏa và độ tương tác cao, từ đó tác giả có thể tiếp nhận được vô số ý kiến ủng hộ cũng như trái chiều đối với đứa con tinh thần của mình. Không ít tên tuổi đã nổi lên và tìm thấy đối tượng bạn đọc tiềm năng cho riêng mình từ những trang sáng tác trên blog, mạng xã hội, diễn đàn như Nguyễn Thu Thủy, Quỳnh Thy, Leng Keng…




[IMG]/userfiles/images/Body-Sach-Onl-8735-1390615873(1).jpg[/IMG]


Một số tác phẩm "văn học mạng" làm nên thành công cho các tác giả trẻ (nguồn: internet)



\r
Văn học mạng được ví như một sân chơi với những lối chơi của sự sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú. Đó là văn học của sự tự do, không bị phụ thuộc vào thiết chế văn hóa xã hội hiện hành. Cuộc chơi văn chương trên mạng dành cho tất cả mọi người, không giới hạn về thời gian, không gian, tất cả mọi người đều có quyền tồn tại trong thế giới đó.\r
Văn học mạng đang phát triển và tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống văn học hiện thời. Nó được quyền tồn tại song song với văn học giấy, nó áp đảo chiếm lấy thị phần, độc giả và người viết đủ thế hệ; càng ngày nó càng đẩy văn học truyền thống, báo chí văn học truyền thống vào những khó khăn, thách thức mới với tốc độ phát triển nhanh đến chóng mặt.\r
Sự ra đời của văn học mạng không chỉ làm thay đổi cách thức đọc, thị hiếu đọc phổ thông của độc giả mà còn góp phần thúc đẩy văn hóa đọc, thay đổi quan niệm về văn học, quan niệm về xuất bản theo một cách riêng, trong bối cảnh công nghệ kĩ thuật phát triển.\r
Tuy nhiên, văn học mạng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tới mức các diễn đàn, trang web văn chương có thể trả tiền cho người sáng tác, hoặc có trả thì cũng chỉ là một con số nhỏ tượng trưng. Vì thế, xuất bản sách giấy vẫn là phương pháp khẳng định tên tuổi người viết.\r
Những mặt trái luôn tiềm ẩn\r
Bên cạnh những lợi ích và tính năng, văn học mạng cũng có rất nhiều những mặt trái. Trước tiên, phải kể đến vấn đê bản quyền. Các sáng tác được tung tự do lên mạng, ai thích cũng có quyền cóp về, chia sẻ trên nhiều phương tiện mạng khác nhau dẫn đến tình trạng “tam sao thất bản”, tranh chấp quyền tác giả…. những điều đó khiến cho văn học mạng vô tình trở nên giống một cái chợ hỗn độn trong mắt nhiều độc giả, trong đó có không ít người cầm bút. \r
Mặt trái thứ hai đó là chất lượng và độ chính xác của văn bản. Văn học mạng là thứ văn học bất định, luôn ở trong “tình trạng đang được viết ra” và thực sự chưa hoàn kết vì vậy rất khó có thể kiểm soát. Trong đó, đáng báo động nhất là sự dễ dãi về mặt câu chữ, thậm chí là đánh mất văn phong. Nội dung các câu chuyện thiên về những đề tài nhạy cảm giật gân, câu khách để gây sự tò mò cho độc giả. Vì thế, cần hết sức thận trọng và phải luôn kiểm tra độ chính xác.






Tính tương tác trên văn học mạng là con dao hai lưỡi đối với cả tác giả và độc giả (nguồn: internet)



\r
Vấn đề thứ ba là văn hóa giao tiếp của các chủ thể khi tham gia đời sống văn học trên mạng, thẩm quyền tham gia sáng tạo và phê bình văn học mạng. Sân chơi văn chương mạng internet thường được điều khiển bởi một tác giả, nhóm tác giả nhất định; trong các trường hợp đó thì người đọc được tương tác, tham dự đến mức độ nào; giới hạn, thẩm quyền của các chủ thể tham gia được định đoạt bởi nguyên tắc, tiêu chí nào... Hơn nữa, việc gặp gỡ giữa tác giả và người đọc quá dễ dàng nên đã dẫn đến tình trạng nhiều cây bút ngộ nhận về tài năng và giá trị của mình. Đó là những vấn đề gợi nhiều suy nghĩ, chưa có tiếng nói, cách giải quyết thỏa đáng.\r
Không ai phủ nhận văn học mạng là công cụ tra cứu tìm kiếm nhanh nhất. Tuy nhiên, chính sự tùy tiện, tự do một cách thái quá; thiếu chính xác về mặt văn bản và sự non kém trong chất lượng bản thảo đã dẫn đến thực trạng, độ chính xác về văn bản của văn học mạng không thể cao như văn học xuất bản trên giấy. Chính vì thế, các cây bút trẻ cần có một sự tỉnh táo khi quyết định cho mình một hình thức tiếp cận độc giả bởi lựa chọn văn học mạng, trên thực tế, không đơn thuần là một lựa chọn của riêng cá nhân, đối với nhiều người là một lựa chọn có tính xã hội và có tính chính trị, một lựa chọn của thời đại và có có tác động vô cùng lớn đến cả một nền văn hóa.\r
CN

Theo cinet.vn