[IMG]/userfiles/images/SACH(1).jpg[/IMG]


"Cửa sổ" - sáng tác mới nhất của Tạ Huy Long đang nhận được sự\r
quan tâm rất lớn từ phía độc giả (nguồn: internet)



(Cinet)- Là sáng tác mới nhất của tác giả Tạ Huy Long – một trong những họa sĩ truyện tranh hàng đầu Việt Nam, “Cửa sổ” đã mang đến cho người xem những cảm xúc vô cùng đặc biệt về Hà Nội của một thời còn kham khổ nhưng con người vẫn luôn đầy ắp những hoài bão và hy vọng.\r
Nội dung của Cửa sổ được bao quát trong 82 trang sách. Tác phẩm là tuyển tập của những bức tranh màu đầy trực quan và sinh động được Tạ Huy Long thực hiện trong thời gian hai năm.\r
Được lấy bối cảnh từ quãng thời gian của nhiều năm về trước, đọc “Cửa sổ”, ta như được trở về với một Hà Nội của những năm 80 thế kỉ XX, khi Bách hóa tổng hợp Tràng Tiền vẫn còn hoạt động, khi đâu đây vẫn còn tiếng leng keng của những chuyến tàu điện, tiếng lóc cóc của chiếc xe đạp cũ kỹ.\r
Câu chuyện kể về một gia đình với người mẹ và đứa con trai nhỏ. Không gian nơi ấy là những căn nhà lụp xụp cổ kính, đứa trẻ nhân vật chính cả ngày ngồi trong phòng đợi mẹ đi làm về. Như bao trẻ em khác thời bấy giờ, cậu chỉ đi học một buổi, buổi còn lại bị nhốt trong nhà để bố mẹ yên tâm đi làm. Cậu chơi một mình, cười đùa và buồn chán một mình. Và trong căn phòng tù túng, cậu luôn muốn bắc ghế trèo lên cửa sổ để nhìn khoảng không bên ngoài. Để từ song cửa sổ đó đã có biết bao câu chuyện xảy ra.\r
Một khía cạnh tiềm ẩn và khó nhận ra hơn trong câu chuyện là tình mẫu tử. Người mẹ của nhân vật chính vừa là một người mẹ đơn thân phải nuôi con một mình trong sự thiếu vắng của người cha, người chồng. Những biểu hiện tình cảm và giao tiếp giữa hai mẹ con chỉ xoay quanh chuyện ăn, ngủ, đi học… cơ bản hàng ngày, không nhiều chi tiết thể hiện tình thân. Nhưng với Tạ Huy Long, đó chính là cách sống của con người phố cổ một thời.






Đọc “Cửa sổ”, ta như được trở về với một Hà Nội của những năm 80 thế kỉ XX



\r
Bên cạnh đó, ngoài những hình ảnh về Hà Nội xưa cũ, Cửa sổ còn mang yếu tố huyền ảo và pha chút kinh dị. Chính điều đó đã tạo nên nhiều bất ngờ và hấp dẫn đối với độc giả. Nhưng, trên tất thảy, qua toàn bộ cuốn sách với kết thúc mở, người xem vẫn cảm nhận được cảm xúc và tình yêu của một người con đối với Hà Nội, nơi gắn liền với tuổi thơ và ký ức. \r
Đặc biệt hơn, tác giả Tạ Huy Long cho biết một phần Cửa sổ chính là câu chuyện có thật của chính anh. Bởi thế, Tạ Huy Long đã vẽ cuốn truyện này bằng tất cả những cảm xúc chân thực nhất, trìu mến nhất về căn nhà mà anh từng sống. Các tác phẩm được vẽ bằng chất liệu tổng hợp, chủ yếu là màu nước. Mỗi trang trong cuốn sách đẹp như những tác phẩm hội họa chất lượng về Hà Nội, về tuổi thơ, về khát vọng tự do bay bổng.\r
Những bức tranh của họa sỹ Tạ Huy Long có chút gì đó tinh quái và phảng phất tính trừu tượng, khó nắm bắt, hẳn sẽ đưa độc giả quay trở lại với một Hà Nội quen thuộc nhưng cảm giác đã xa từ thế kỷ nào.






Những bức tranh của họa sỹ Tạ Huy Long có chút gì đó tinh quái và phảng phất tính trừu tượng



\r
Cũng chính bởi thế mà ở “cửa sổ”, nhiều độc giả sẽ tìm thấy hình ảnh mình trong đó. Người yêu Hà Nội có thể đồng cảm với tình yêu và sống dậy với hoài niệm về phố cổ. Trẻ em có thể tìm thấy những trò chơi, ước mơ, khát vọng tuổi thơ. Người ưa truyện kỳ ảo sẽ được thỏa mãn với chi tiết mang yếu tố tâm linh là con châu chấu mặt người, và sự gặp gỡ của cậu bé với linh hồn cậu.\r
Đã rất lâu rồi, ta mới được đón nhận một tác phẩm đơn giản nhưng lại chân thực tới như thế. “Cửa sổ” của Tạ Huy Long đã đem đến cho độc giả cái nhìn lạ lẫm về một Hà Nội rất đỗi quen thuộc. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, “Cửa sổ” đã phần nào nhắc nhở chúng ta về một Hà Nội thời bao cấp với những hình ảnh “thật đến từng chi tiết nhỏ nhất”. Không chỉ vậy, cuốn sách đã trở thành sợi dây kết nối thế hệ trẻ hiện nay với thế hệ một thời bao cấp những năm 80 của thế kỷ XX, và cho những ai không phải sinh ra và lớn lên ở nơi đây hiểu hơn và yêu hơn về một Hà Nội xinh đẹp này.\r
CN\r


Theo cinet.vn