(Cinet)- Trong bối cảnh cả nước chuẩn bị đón năm mới, xuân mới 2014 với mùa lễ hội đang đến gần, các đơn vị quản lý ở các địa phương cần có những giải pháp trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội, đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.




Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2013 diễn ra mới đây với sự tham dự của các đại biểu tại 3 điểm cầu Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Dự thảo báo cáo đánh giá kết quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2013 tại Hội nghị, có thể thấy công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở các địa phương đã được cấp ủy, Đảng, chính quyền các cấp, các ngành bám sát, chỉ đạo, định hướng và thực hiện có hiệu quả. Hoạt động lễ hội trong năm 2013 trên toàn quốc cơ bản đã được tổ chức đi vào nề nếp, ổn định, tạo không khí vui tươi, lành mạnh. Tuy nhiên, hoạt động lễ hội trong năm 2013 vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục cũng như đã xuất hiện những biểu hiện tiêu cực mới như tình trạng đặt giả hòm công đức tại lễ hội xuân Núi Bà Đen (Tây Ninh); đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh); dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao ở hầu hết các di tích, lễ hội lớn; việc bày bán các loại đồ chơi có tính bạo lực, độc hại…

<strong style='mso-bidi-font-weight:normal'>Tiếp tục xử lý những tồn tại, bất cập[/B]

Mặc dù các địa phương đã có kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, nhưng một số lễ hội triển khai thực hiện còn chưa đúng kế hoạch, sự phối hợp và trách nhiệm chưa cao. Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở một số lễ hội chưa được thực hiện tốt, vẫn còn hiện tượng trộm cắp, móc túi, hoặc các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình. Các Ban Tổ chức đã có phương án giải quyết ách tắc giao thông kịp thời những vẫn còn tồn tại những cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy như đêm khai ấn tại Đền Trần (Nam Định), Đền Hùng (Phú Thọ), Lễ hội Chùa Hương vào ngày chính hội.

Ngoài ra, việc thực hiện nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội chưa thực hiện triệt để, việc đặt nhiều hòm công đức và khay tiền dầu đèn tại các điểm thờ tự vẫn còn ở một số các di tích mặc dù Ban Tổ chức đã có những hướng dẫn nhưng do ý thức chưa cao nên chưa nghiêm túc, dẫn đến đồng tiền bị hư hại, vi phạm quy định tiền tệ của Nhà nước.

Việc thu, chi sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự ở một số nơi vẫn chưa thống nhất, có nơi chính quyền địa phương quản lý, có nơi thủ từ, thủ nhang hoặc nhà sư trụ trì quản lý thu giữ nên việc tái đầu tư tu bổ di tích chưa được hiệu quả.









Kiên quyết xử lý các tồn tại, bất cập...





Theo Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Phạm Xuân Phúc, do số lượng lễ hội khá cao lại do nhiều cấp quản lý nên vẫn tồn tại các bất cập. Tồn đọng lớn nhất của mùa lễ hội 2013 là một số địa phương vẫn cho phép kinh doanh trong khu vực di tích, việc làm này là vi phạm quy định của Luật Di sản.

Bà Lê Thị Tân Trang, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nội cho biết, vừa qua trên địa bàn Hà Nội xảy ra nhiều vấn đề về quản lý lễ hội, di tích mà điển hình là vụ việc thay tượng ở chùa Châu Long, việc bán hàng lộn xộn gây mất mỹ quan ở cụm dân cư trong khu di tích Cổ Loa. Bên cạnh đó, rất nhiều lễ hội diễn ra trên địa bàn Hà Nội vẫn thường xuyên xảy ra vấn đề mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tràn lan đồ chơi Trung Quốc, ăn xin, trộm cắp vẫn có “đất” hoành hành... Một trong những vấn đề chưa được khắc phục hiện nay là ý thức của người dân tham gia các lễ hội quá lạm dụng việc đặt vàng, mã, thắp hương sai quy định…

Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai cho biết vấn đề an toàn thực phẩm địa phương nào cũng mắc phải. Ông Sơn cũng cho rằng, các lễ hội ngày nay không còn như xưa vì thế không thể quản lý một cách áp đặt mà nên dựa vào tình hình từng địa phương để ứng biến. Ông Sơn đề nghị Bộ VHTTDL nên cụ thể hóa mô hình ban quản lý di tích thế nào cho hợp lý để các cơ quan quản lý thể hiện tốt vai trò quản lý của mình.

Việc ngày càng nhiều các lễ hội được “mọc” ra mà không có nét riêng, phục vụ nhiều cho mục đích kinh doanh, theo ông Sơn đây là sai lầm lớn của các Ban tổ chức. “Họ chỉ chuyên tâm chuyện lễ hội cần diễn văn thế này, khai mạc thế kia mà quên nghiên cứu thời xưa tổ tiên ta có tục lệ gì riêng nên các lễ hội khác nhau lại có quá nhiều nét giống nhau”, ông Sơn phân tích.

<strong style='mso-bidi-font-weight:
normal'>Cho một mùa lễ hội 2014 an toàn, hiệu quả[/B]

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, dự thảo báo cáo của Cục Văn hóa cơ sở đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, đó là: Tăng cường sự lãnh đạo của các Cấp ủy, Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, hoàn thiện và nêu cao trách nhiệm của từng Ban Tổ chức trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội từ Trung ương đến cơ sở; Tiến hành quy hoạch lễ hội toàn quốc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phát huy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội.









Hướng đến một mùa lễ hội 2014 tốt đẹp, hiệu quả





Kiên quyết không để hiện tượng cài tiền, rải tiền lên tay tượng, thả tiền xuống giếng, ao hồ, mọi nơi, mọi chỗ; không để hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ tại các di tích, lễ hội gây phản cảm. Bên cạnh đó, sẽ chỉ đạo Ban Quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội đặt các hòm công đức phù hợp cảnh quan, di tích, vận động nhân dân không tùy tiện bổ sung hiện vật, tự thay thế hiện vật làm ảnh hưởng tới di tích. Chính quyền địa phương cần thống nhất chỉ đạo các Ban Quản lý, Ban Tổ chức, Trụ trì di tích sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích và trở lại phục vụ di tích hiệu quả nhất.

Tại các di tích, lễ hội cụ thể, các ngành chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ, xử lý tình trạng bày bán thịt thú rừng, vận động hộ kinh doanh không bán đồ chơi có tính bạo lực. Tập trung tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tìm hiểu về di tích, lễ hội và các nhân vật thờ tự và có thái độ ứng xử văn minh, văn hóa nơi linh thiêng; đồng thời tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết, kịp thời xử lý các vi phạm trong hoạt động lễ hội cũng như chú trọng tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là những người trực tiếp tại di tích, lễ hội.

Trước nhiều ý kiến xung quanh việc cả nước có quá nhiều lễ hội, nên hạn chế bớt những lễ hội không cần thiết để tiện quản lý, ông Mai Tư, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa lại có ý kiến cho rằng, nên tổ chức càng nhiều lễ hội càng tốt vì các lễ hội đều có sức hấp dấn riêng. Vấn đề ở đây là quản lý thế nào để các lễ hội diễn ra an toàn, tiết kiệm, đó mới là trách nhiệm quản lý của từng địa phương.

Để khắc phục các tồn đọng, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh thanh tra Bộ VHTTDL khẳng định trong mùa lễ hội 2014, Bộ sẽ có các biện pháp xử lý mạnh tay hơn. Thay bằng lập biên bản nhắc nhở các sai phạm như những năm qua, lần này, Bộ sẽ phạt hành chính các vi phạm theo Nghị định 158. Bên cạnh đó, Bộ sẽ duy trì tần xuất thanh tra, kiểm tra các lễ hội như 2013 và tổ chức đoàn thanh tra lễ hội trước và sau Tết Nguyên đán.

Theo GS Lê Hồng Lý, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa: “Nên chăng với tư cách là một cơ sở quản lý cụ thể thì Bộ phải có đề tài nghiên cứu tìm ra các mô hình tốt để cho các nơi học tập. Tôi thấy các di tích như Bà chúa Kho (Bắc Ninh) và Bà chúa Xứ (An Giang) quản lý công đức rất tốt, mô hình đền Cửa Ông (Quảng Ninh) cũng vậy”.

Khẳng định lễ hội là một sinh hoạt cộng đồng có tác động đến tất cả mọi người, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho rằng quản lý lễ hội là một vấn đề cực kỳ phức tạp vì có những yếu tố tâm linh, khoa học, về từng lễ hội cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên mục đích cuối cùng của lễ hội là phải an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, phải bảo vệ được tài sản của Nhà nước và cộng đồng. Thứ trưởng đề nghị các địa phương triển khai tốt các nội dung được quy định trong văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ và Bộ VHTTDL đã được ban hành; tham mưu cho Cấp ủy, Chính quyền ban hành kế hoạch quản lý lễ hội, kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức lễ hội. Trong đó có kiểm tra chặt chẽ việc buôn bán hàng rong, đổi tiền giọt dầu, vệ sinh an toàn, trật tự giao thông, phòng chống cháy nổ và tùy theo điều kiện của mỗi địa phương, mỗi lễ hội để rút kinh nghiệm xử lý.

T.H


Theo cinet.vn

View more random threads: