Trong hai ngày 21-22.5 tại Hà Nội, Bộ VH, TT & DL sẽ tổ chức Hội nghị đầu tiên sơ kết mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và triển khai Nghị định số 02/2009/NĐ-CP ngày 6.1.2009 của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của mô hình thư viện này. Chuyện những người lặng thầm nối nhịp cầu tri thứcCó một “tình yêu” thầm lặng<o></o>
Đó là tình yêu của chủ nhân các thư viện tư nhân dành cho sách báo và hơn ai hết, họ luôn mong muốn bắc được những nhịp cầu từ kho tri thức quý giá này đến với người đọc. Theo thống kê chưa đầy đủ, cả nước hiện có khoảng gần 40 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng với quy mô to, nhỏ khác nhau. Có thư viện được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang với hàng chục ngàn bản sách; có thư viện còn tạm trong nhà dân, trang thiết bị sơ sài với vẻn vẹn trên dưới 1.000 bản sách... Chủ nhân của những thư viện này là những nhà hảo tâm ở địa phương có điều kiện kinh tế, các thầy cô giáo, cán bộ hưu trí... yêu quý sách báo và có sưu tập sách báo phong phú. Nhiều người đã tự nguyện hiến đất đai, bỏ tiền riêng để xây dựng nhà thư viện, bổ sung sách báo, mua sắm trang thiết bị và trả thù lao cho người trực tiếp làm thư viện... Đến nay, nhiều thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã trở thành cái tên quen thuộc và là “địa chỉ đỏ” của người dân lao động, học sinh, cán bộ hưu trí... ở các địa phương như Thư viện Tâm Thành (Hải Dương), Thư viện khuyến học Hoa Cương (Hà Tĩnh), Thư viện Đặng Huỳnh (Bến Tre), Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), Vũ Gia (Hoà Bình), Trương Văn Huyên (Tiền Giang), Phạm Thế Cường (TP.HCM)...<o></o>
Chủ nhân Thư viện Tâm Thành (Hải Dương), ông Đoàn Duy Thành chia sẻ: “Trong lúc nhiều người không có điều kiện đến trường tập trung để học tập, chúng ta cần tổ chức thư viện cho làng, cho xã. Đó là ông “thầy câm” sát dân nhất. Ông thầy đó không giảng bài trực tiếp cho học sinh nhưng lại cung cấp kiến thức cho học sinh từ già đến trẻ qua sách báo...”. Nhiều thư viện tư nhân đã được hướng dẫn thực hiện xử lý kỹ thuật sách báo rất bài bản như thư viện của gia đình ông Trương Văn Huyên (Tiền Giang), thư viện Tâm Thành (Hải Dương), phòng đọc sách Nguyễn Kim Loan (Cà Mau), thư viện Nhơn Phúc (Bình Định) ... “Cái lợi lớn nhất là độc giả của các thư viện tư nhân được đọc sách báo ngay tại nơi sống, nơi đang làm việc và ở ngay trên quê hương mà không phải đi đâu xa mất công, mất buổi”- Một cán bộ có thâm niên trong ngành thư viện nhận xét. Một số thư viện còn đặc biệt chú trọng phục vụ đối tượng độc giả thiếu nhi như Thư viện Bùi Đình Thăng (Hưng Yên), Tâm Thành (Hải Dương), Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), Thư viện mang tên Bà mẹ VN anh hùng Dương Thị Rau (Phú Yên), Thư viện Nhơn Phúc (Bình Định), Dũng Hương (Phú Thọ), Phạm Thế Cường (TP.HCM)...<o></o>
Còn đó những khó khăn<o></o>
Nhiều thư viện tư nhân còn kết hợp tổ chức phục vụ độc giả với một số hoạt động khác như các cuộc thi đọc sách, kể chuyện sách, thông tin thời sự- chính trị cho bà con, biên tập và phát hành những tập sách mỏng “Gương sáng điều hay” cho bạn đọc... Nhiều thư viện đã phát huy nguồn lực xã hội hoá hiệu quả như thư viện mang tên Bà mẹ VN anh hùng Dương Thị Rau (Phú Yên), Đặng Huỳnh (Bến Tre), Huỳnh Tấn Hưng (Vĩnh Long), Cây Tùng (Nghệ An), Vũ Gia (Hoà Bình), Hương Cần (Phú Thọ)... Song bên cạnh đó còn tồn tại rất nhiều khó khăn mà hầu hết các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đang gặp phải, trong đó phải kể đến khó khăn cơ bản là cơ sở vật chất chưa được đầu tư ổn định và tương xứng với nhu cầu; nguồn tài liệu, sách báo chủ yếu do chủ nhân thư viện gom góp, chỉ một phần được xã hội hoá nên cơ cấu kho tài liệu đôi khi chưa hợp lý, nhiều nơi còn nhiều sách báo cũ; kinh phí mua sách báo mới chưa nhiều và chưa thường xuyên; một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến mô hình hoạt động này nên chưa có sự phối hợp, đầu tư thích đáng; một số người làm trong các thư viện tư nhân chưa được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ nên còn lúng túng trong khâu phục vụ... <o></o>
Tại hội nghị sơ kết, nhiều vấn đề cụ thể, trực tiếp liên quan đến hoạt động của mô hình thư viện này sẽ được các đại biểu đặt ra để thảo luận và tìm cách tháo gỡ. Chẳng hạn, GĐ thư viện tỉnh Bình Định Võ Văn Nhiếng nêu, hiện chủ nhân thư viện xã Nhơn Phúc chỉ mới đạt trình độ văn hoá 9/12 trong khi kho tài liệu thư viện đã lên đến 1.750 bản sách. Theo Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng thì thư viện này sẽ không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động... Hoặc như với một thư viện có cái tên giản dị: Thư viện nhà ông Thăng (Hưng Yên), GĐ Thư viện tỉnh Nguyễn Văn Thị lại trăn trở: thư viện này rồi sẽ ra sao khi chủ nhân của nó, ông Thăng đã 78 tuổi, già yếu và bệnh tật sẽ khiến ông không thế tiếp tục phục vụ bạn đọc được nữa?...<o></o>
Hội nghị sẽ không chỉ là dịp tôn vinh những con người bình dị có “tấm lòng vàng” mà còn là cơ hội để các đại biểu cùng tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn đang đặt ra với hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Theo chương trình, hội nghị sẽ tập trung vào một số nội dung như: đánh giá kết quả thực hiện công tác xã hội hoá thư viện ở các địa phương, nhất là tổ chức và hoạt động của mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; việc triển khai Nghị định số 02/2009/NĐ-CP của Chính phủ từ đầu năm 2009 đến nay gặp phải những khó khăn, vướng mắc gì cần tháo gỡ; phương hướng và giải pháp cơ bản để nhân rộng và triển khai hiệu quả mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng trong cả nước...



Theo VH

Theo cinet.vn

View more random threads: