Hôm qua, 21.5, tại Hà Nội, Bộ VH,TT&DL đã khai mạc hội nghị sơ kết Mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và triển khai Nghị định số 02/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của mô hình thư viện này. Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị.
Thống kê ban đầu cho thấy cả nước có 72 % thư viện tư nhân có nhà/phòng riêng biệt, 28% thư viện ở chung trong gia đình; diện tích dùng cho các thư viện này bình quân là 43 m2/thư viện kể cả khuôn viên. Ngoại trừ một số thư viện được đầu tư xây dựng khang trang, còn lại nhiều thư viện có cơ ngơi khá khiêm tốn, chật chội, thiếu tiện nghi. Một số thư viện không có tiền để bổ sung sách báo mới thường xuyên, nguồn bổ sung chủ yếu dựa vào sách biếu tặng hoặc nhận sách luân chuyển từ các thư viện công cộng nhà nước. Trình độ văn hoá chung của người phục vụ trong các thư viện tư nhân là lớp 10/12... “Tuy số lượng chưa nhiều nhưng thư viện tư nhân xuất hiện rải đều ở khắp các vùng miền thời gian qua đã phục vụ một đối tượng bạn đọc khá phong phú. Quy mô của thư viện- vốn tài liệu bình quân của một thư viện tư nhân tương đương với một thư viện cấp huyện, chứng tỏ tiềm năng của nhân dân rất lớn nếu chúng ta biết phát huy. Nội dung các tài liệu cũng rất phù hợp với nhu cầu của bạn đọc”- Phó vụ trưởng Vụ Thư viện Nguyễn Thị Thanh Mai khẳng định.<o></o>
Với chủ nhân các thư viện tư nhân, dù nhiều người chưa từng xuất hiện chốn đông người để nói về những việc làm của mình nhưng tại diễn đàn hội nghị này họ đã khiến nhiều người khâm phục bởi những suy nghĩ bình dị mà cao quý của mình. Mái đầu đã bạc trắng, bước chân run run, đi phải có người dìu, ở tuổi trên 80 nhưng cụ Nguyễn Thanh Tùng (chủ nhân Thư viện khuyến học Cây Tùng, xã Hưng Tân, Hưng Nguyên, Nghệ An) vẫn đến Hội nghị để cùng chia sẻ những kinh nghiệm hoạt động của thư viện tư nhân do ông sáng lập nên. Từ buổi ban đầu với chưa đầy 1.000 đầu sách, đến nay Thư viện Cây Tùng đã có trên 5.000 đầu sách. Với nhiều hình thức hoạt động, điều khiến cụ Tùng mừng nhất là thư viện của ông đã mang đến tình yêu sách vở, tình yêu tri thức cho nhiều người dân trong vùng. Từ một “Cây Tùng mẹ” đến nay đã đâm chồi nảy nở những “Cây Tùng con” và điều đó càng khẳng định niềm tin trong ông về sự trưởng thành, lớn mạnh của Thư viện Cây Tùng... Một điển hình khác, chủ nhân thư viện Huỳnh Tấn Hưng đến từ vùng miệt vườn sông nước Cửu Long (tỉnh Vĩnh Long) chia sẻ, điểm đọc sách của gia đình ông từ vách lá đơn sơ, nền đất lõm chõm với vài bộ bàn ghế học sinh cũ kỹ, nay phòng đọc sách đã được lát gạch hoa, bàn ghế phục vụ bạn đọc được trang bị sạch đẹp. Tủ sách ngày càng có ý nghĩa thiết thực trong đời sống cộng đồng địa phương và niềm vui của gia đình ông càng được nhân lên khi tủ sách gia đình đã trở thành điểm sinh hoạt văn hoá, văn nghệ địa phương trong những ngày lễ hội. Ông Tư Hưng mộc mạc nói: “Vui hơn nữa khi các em học sinh mượn sách ở đây học tập đạt kết quả rất tốt. Phòng đọc tuy không khang trang nhưng đã góp phần tạo dựng một thiên đường tri thức cho thế hệ mai sau”. <o></o>
Còn nhiều những tấm gương điển hình đáng trân trọng khác, những con người luôn lặng lẽ trong hành trình nối dài nhịp cầu tri thức đến với người dân. Tại hội nghị này, với nhiều người là lần đầu tiên có cơ hội để được nói lên những suy nghĩ giản dị, chất phác của mình. Đó cũng là những trăn trở để tìm lối đi hiệu quả, để ngày càng phát triển những mô hình thư viện sáng tạo phục vụ người dân.<o></o>
Chiều 21.5 các đại biểu đã đi khảo sát thực tế một số thư viện tư nhân tại Hải Dương và Hà Nội. Hôm nay 22.5, Hội nghị tiếp tục thảo luận và bàn nội dung triển khai Nghị định số 02/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng.<o></o>
<o> </o>
Theo VH<o></o>


Theo cinet.vn

View more random threads: