Có thể nói, thư viện ảo là minh chứng quan trọng nhất cho thấy sự ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật đã làm biến đổi văn hóa đọc, từ hình thức thể hiện của tác phẩm, đến cách thưởng thức tác phẩm.
Trào lưu của thế giới hiện đại<o></o>
Hiện nay, Internet được coi là công cụ hiệu quả nhất nhằm nối kết mọi người trên thế giới, văn hóa đọc cũng tìm thấy ở đó một công cụ hiệu quả nhằm phổ biến sách rộng rãi. Nhiều thư viện trên mạng lần lượt xuất hiện, mà đỉnh điểm là thư viện lớn nhất châu Âu mang tên Europeana. Thư viện này cung cấp cho bạn đọc hơn 2 triệu cuốn sách, một khối lượng khổng lồ những bản đồ, băng ghi âm, hình ảnh, dữ liệu các loại, các bức ảnh, phim… Số tài liệu này có được là từ hơn 1.000 viện nghiên cứu hàng đầu ở châu Âu. <o></o>
Chỉ một giờ sau khi chính thức được mở cửa đã có hơn 10 triệu lượt độc giả truy cập vào thư viện này. Số độc giả lớn lao đó đã làm cho hệ thống điện tử của thư viện không thể chịu nổi, dẫn đến tê liệt và sập mạng, phải hơn 1 tháng sau thư viện mới phục hồi. Dự kiến đến năm 2010, thư viện trên sẽ chứa tất cả tài liệu của các ngôn ngữ thuộc Cộng đồng chung châu Âu (EU).<o></o>
Rầm rộ nhất hiện nay trong lĩnh vực thư viện online là một dự án lớn của Google. Google dự định xây dựng hệ thống thư viện Google Book, chứa đựng ấn bản kỹ thuật số của hầu hết các tác phẩm sách của gần như mọi quốc gia trên thế giới. Người sử dụng có thể truy cập thông tin, nội dung của bất cứ tác phẩm nào với một khoản chi phí quy định. Dự án đầy tham vọng này, nếu thành công, sẽ biến Google Book trở thành thư viện ảo lớn nhất thế giới. <o></o>
Không chỉ có những thư viện ảo khổng lồ, môi trường ảo còn cho phép xây dựng những thư viện có tính chất đặc thù riêng. Điển hình như thư viện ảo dành cho những cuốn sách không ai mượn (Awful Library Books) vừa được hai thủ thư đến từ thành phố <st1:city w:st='on'><st1lace w:st='on'>Detroit</st1lace></st1:city> (Mỹ) lập ra. Thực tế, đây chỉ là một trang blog chứa các thông tin phân loại, sắp xếp những đầu sách ít được bạn đọc mượn nhất tại các thư viện. <o></o>
Mục đích của hai tác giả là nhằm làm cho độc giả chú ý đến những cuốn sách ít thu hút bạn đọc, đồng thời cũng hỗ trợ quản thủ các thư viện trong việc quyết định những cuốn sách nào nên loại bỏ, nhằm có chỗ cho những cuốn sách mới. Trang blog thư viện này vừa ra mắt đã đón nhận trung bình khoảng 300.000 người truy cập mỗi ngày. Một con số ước mơ của ngay cả những thư viện lớn.<o></o>
Thư viện ảo ở Việt Nam<o></o>
Ở trong nước, thư viện ảo lại đi theo hai con đường khác nhau. Đầu tiên là các thư viện ảo tự phát. Ban đầu đây là những diễn đàn trên mạng cho những người ham đọc sách. Dần dần, các thành viên đã tự nguyện số hóa sách của mình, đóng góp cho diễn đàn, biến nơi này trở thành những thư viện ảo dành cho các thành viên. Những thư viện loại này có nhược điểm lớn là thiếu sự tôn trọng bản quyền và chất lượng sách không ổn định, vì hoàn toàn dựa vào các thành viên tự nguyện.<o></o>
Loại thư viện ảo thứ hai là thư viện ảo mở rộng từ các thư viện thật. Điển hình như thư viện ảo của Thư viện KHTH TPHCM, hệ thống các thư viện ảo của các trường ĐH... Thư viện ảo dạng này không nhiều sách điện tử nhưng lại vượt trội ở sự hệ thống hóa cao, thuận lợi cho bạn đọc tra cứu. Ngoài ra, từ đây bạn đọc có thể đặt mượn những tác phẩm sách bình thường từ thư viện thật.<o></o>
Gần đây, các dạng thư viện khác cũng lần lượt xuất hiện tại Việt Nam, như đầu tháng 8 vừa qua, thư viện sách nói cho người khiếm thị đã chính thức ra mắt tại địa chỉ www.sachnoionline.com. Vì dành riêng cho bạn đọc khiếm thị, thư viện này có lượng đầu sách đa dạng như văn học, du lịch, danh nhân, nghệ thuật sống, y học, khoa học, giáo khoa… tất cả đều là sách nói (audio book). <o></o>
Mới nhất hiện nay là thư viện online Lạc Việt, do Công ty Lạc Việt thực hiện, dự định sẽ ra mắt bạn đọc đầu tháng 9-2009. Đây là một dạng thư viện kiểu như Google Book, vừa cung cấp sách, vừa bán sách. Sách ở tại thư viện này đều có bản quyền cụ thể, mà theo khẳng định của Lạc Việt, là “sẽ cao hơn cả mức giá của Google trả…”. Dự kiến trong đợt ra mắt này, thư viện Lạc Việt sẽ giới thiệu hơn 3.000 đầu sách điện tử.<o></o>
Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, thư viện ảo đang tỏ rõ hiệu quả trong cuộc sống hiện nay, góp phần làm thay đổi thói quen thưởng thức văn hóa đọc của bạn đọc trong cuộc sống hiện đại.<o></o>
<o> </o>
Theo SGGP<o></o>


Theo cinet.vn

View more random threads: