UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có chủ trương cho phép các cơ quan trực thuộc thực hiện chương trình hợp tác, trao đổi tư liệu với Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ - thư viện lớn nhất thế giới hiện nay. Trước đó, tháng 8-2008, bà Tôn Nữ Liên Hương, người đảm trách khu vực Đông Nam Á của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, đã trực tiếp đặt vấn đề với Huế về việc hợp tác nghiên cứu và trao đổi tư liệu.<o></o>
Dự kiến thực hiện trong tháng 8-2010, tư liệu mở đầu chương trình trao đổi là hệ thống gần 300 bản sắc phong, sắc chỉ, sắc chế... của triều đình nhà Lê - Tây Sơn và Nguyễn, do Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vừa sưu tầm được tại các làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. <o></o>
Ngày 11-5, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Thừa Thiên - Huế đã có hội nghị thẩm định về mặt nội dung hệ thống bản sắc nói trên.<o></o>
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, đơn vị này bước đầu đã tổ chức số hóa, phân loại, dịch nghĩa... văn bản. Chiếm phần lớn trong số gần 300 bản sắc là sắc phong các vị thần, nhất là thần hoàng và những vị nhân thần có công trạng; khen thưởng hay giáng, bổ các vị quan lại... <o></o>
Đây chính là một phần của dự án thư viện Hoàng Cung Huế (hoặc thư viện Cố Đô), chủ yếu nhằm tập hợp tất cả những nguồn tư liệu Hán - Nôm cổ của Huế, dự kiến đặt tại di tích Tàng Thư lâu - một cơ quan lưu trữ của triều đình nhà Nguyễn.<o></o>
Ông Phan Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - cho biết việc hệ thống hóa nguồn văn bản này đã hé lộ rất nhiều điều thú vị từ chất liệu, ngôn ngữ cho đến một số quy chuẩn khác liên quan đến cách ban hành văn bản của triều đình ngày xưa... <o></o>
Những hoa văn trang trí thay đổi theo từng thời kỳ phần nào thể hiện được sự biến đổi của các giai đoạn mỹ thuật từ thời Lê - Tây Sơn cho đến thời Nguyễn... <o></o>
Đặc biệt, đó là hệ thống sắc phong nhân vật mà sách sử của triều đình không thấy ghi chép. Những văn bản này do đó có ý nghĩa rất lớn về lịch sử - văn hóa của những làng xã hay những vùng đất có liên quan. <o></o>
“Tuy vậy, so với tình hình những năm trước đây, số lượng văn bản Hán - Nôm, nhất là sắc phong ở các làng xã của Huế, hiện giảm đi rất nhiều, trong đó một số đã bị mất cắp hoặc bị bán đi” - ông Hải khẳng định.<o></o>




Theo TT<o></o>

Theo cinet.vn

View more random threads: