Thống kê từ Thư viện tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện toàn tỉnh có 3 thư viện xã, 21 phòng đọc sách cơ sở trong tổng số 247 xã, phường, thị trấn. Đó là các thư viện xã Tam Phước (Phú Ninh), Đại Lãnh (Đại Lộc) và Cẩm Kim (Hội An), các huyện còn lại hầu như không có thư viện xã, thậm chí ở 2 huyện Tây Giang và Nông Sơn vẫn chưa có thư viện huyện. Tuy nhiên, nếu theo quy định về số lượng đầu sách của một thư viện cấp xã là 1500 bản sách thì cũng chỉ có thư viện xã Tam Phước (khánh thành tháng 12.2010 theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 1694 bản sách) là đạt chuẩn, 2 thư viện còn lại là Cẩm Kim (1000 bản) Đại Lãnh (500 bản) vẫn chưa đáp ứng yêu cầu này. <o></o>
Để thành lập một thư viện xã đúng chuẩn, cần có kinh phí hoạt động và bổ sung sách, báo hàng năm…. điều hầu như rất khó thực hiện ở các địa phương khi mà hoạt động thư viện tại nhiều nơi vẫn còn bị xem nhẹ. Trong khi đó, việc huy động nguồn lực xã hội để thành lập và duy trì thư viện không phải dễ dàng. Ngoài thư viện xã Tam Phước được hỗ trợ sách từ Thư viện tỉnh theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì các thư viện còn lại nguồn sách chủ yếu trông chờ từ thư viện huyện luân chuyển xuống và mua sắm bổ sung hàng năm từ nguồn kinh phí UBND xã, nhưng số này không nhiều và còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.<o></o>
Ông Nguyễn Hữu Tôn, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin huyện Đại Lộc cho biết, việc bổ sung sách cho thư viện huyện hàng năm đã là điều khó nói gì đến thư viện xã. Năm 2010, kinh phí dành cho hoạt động thư viện huyện Đại Lộc chỉ khoảng 30 triệu đồng, bao gồm cả chi trả lương cho 2 biên chế, số tiền còn lại dùng để bổ sung sách là không đủ, chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn sách luân chuyển từ thư viện tỉnh để tiếp tục luân chuyển xuống cơ sở. <o></o>
Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Trưởng Phòng Văn hóa thông tin thành phố Hội An, thì việc thành lập và duy trì thư viện xã cần phải cân nhắc, bởi điều quan trọng là làm sao để những thư viện này phát huy được hiệu quả, lôi kéo người dân đến đọc, nếu không sẽ rất lãng phí. Ông Lanh cho biết, với thư viện xã Cẩm Kim, dù thời gian qua thư viện thành phố đã tiến hành nhiều đợt luân chuyển sách báo cũng như hỗ trợ kinh phí cho cán bộ tại đây (mỗi tháng 400 ngàn đồng), nhưng nhìn chung hoạt động vẫn chưa đáp ứng được mục đích ban đầu trong việc cung cấp kiến thức cho người dân. (Riêng năm 2010 thư viện thành phố đã 6 lần luân chuyển sách báo xuống thư viện Cẩm Kim với gần 550 đầu sách báo các loại). <o></o>
Bà Trần Thị Bích Điền, giám đốc Thư viện tỉnh Quảng Nam cho rằng, nếu căn cứ Pháp lệnh Thư viện về việc phát triển hệ thống thư viện từ cơ sở đến tỉnh thì tại mỗi xã, phường đều phải có thư viện. Tuy nhiên điều này rất khó vì còn phụ thuộc vào điều kiện từng địa phương. “Dù cố gắng trong việc hỗ trợ và luân chuyển sách báo xuống cơ sở, nhưng bản thân thư viện tỉnh cũng phải tự xoay xở khi mà kinh phí hoạt động hàng năm rất ít, chỉ khoảng trên 300 triệu đồng. Trong đó, bổ sung sách mới đã hết 150 triệu, báo, tạp chí là 75 triệu, số tiền 75 triệu còn lại không đủ để đi cơ sở luân chuyển sách báo”. Tuy vậy, trong năm 2010, thư viện tỉnh cũng đã luân chuyển hơn 590 ngàn lượt sách báo đến các nơi trong tỉnh, ngoài ra, bằng nguồn xã hội hóa, thư viện cũng đã cấp cho các địa phương hơn 2000 bản sách trị giá trên 70 triệu đồng. Cũng theo bà Điền, tuy nhiều địa phương đã có phòng sách báo, điểm đọc sách báo nhưng nhìn chung chỉ mang tính tạm thời vì lượng sách báo tại đây số lượng ít, kiến thức cũ do không được bổ sung mua mới và luân chuyển thường xuyên. “Sự hình thành các thư viện xã sẽ mang tính chuyên nghiệp và ổn định hơn, ngoài kinh phí cố định hàng năm thì mỗi năm các thư viện xã còn được luân chuyển bổ sung một lượng sách từ 200 -300 cuốn theo quy định từ thư viện huyện sẽ giúp người dân tại chỗ có điều kiện tiếp cận với những thông tin, kiến thức bổ ích và mới nhất”.<o></o>
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Lanh lại có cách nhìn nhận khác. Theo ông, không cần thiết phải thành lập thư viện ở tất cả các xã, phường mà cần có sự chọn lựa, “ví như thành phố Hội An chỉ nên thành lập thêm một thư viện tại xã đảo Tam Hiệp nhằm giúp người dân nơi đây có điều kiện tiếp cận các tri thức khoa học, đời sống, nhất là nông ngư nghiệp. Những xã phường còn lại theo tôi không nhất thiết phải thành lập thư viện vì người dân nơi đây đã đủ điều kiện để tiếp cận thông tin”.<o></o>
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, một điều thực tế là tại những vùng sâu vùng xa sách báo vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống của người dân; đó không đơn thuần chỉ là tri thức cuộc sống mà còn là một hoạt động giải trí, một món ăn tinh thần bổ ích trong cuộc sống hằng ngày. Việc hình thành và duy trì hoạt động Thư viện xã sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm cung cấp thông tin giúp người dân có điều kiện được tiếp cận những kiến thức khoa học, những chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, nâng cao trình độ hiểu biết, áp dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng địa phương. Dù điều kiện ở nhiều nơi còn khó khăn nhưng với số lượng thư viện xã khiêm tốn như trên vẫn là vấn đề đáng quan tâm khi mà văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ bị mai một.<o></o>
<o> </o>
Theo CPV<o></o>

Theo cinet.vn

View more random threads: