Việc mua sách, đọc sách rất bình thường với người dân thành thị, nhưng với người dân khu vực nông thôn, muốn tìm mua sách, đọc sách không dễ. Những mô hình mới như “tủ sách dòng họ”, “thư viện nông thôn”, “tủ sách pháp luật”... đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các vùng quê. Tại xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, những thư viện này đang giúp người nông dân có cơ hội tiếp cận với chân trời tri thức mới. Người nông dân đã có điều kiện tiếp cận những kiến thức để từ đó áp dụng hiệu quả vào cuộc sống và sản xuất.Theo lời giới thiệu của cán bộ phòng văn hoá huyện Yên Dũng, chúng tôi tìm về xã Tư Mại, một trong những địa phương của tỉnh Bắc Giang đã thực hiện thành công mô hình xây dựng tủ sách “pháp luật cho nông dân”. Với gần 700 đầu sách các loại, “tủ sách pháp luật” của thôn Hưng Thịnh luôn thu hút được đông đảo người dân trong thôn tìm đến đọc mỗi khi có thời gian rảnh rỗi. Nhanh tay sắp lại những quyển sách trên giá, ông Hoàng Trọng Phái, Trưởng thôn Hưng Thịnh chia sẻ với chúng tôi về quá trình thành lập “tủ sách pháp luật” ở Hưng Thịnh. Ông Phái cho biết, thôn Hưng Thịnh là nơi đi đầu trong việc xây dựng tủ sách pháp luật ở Tư Mại. Bà con nông dân ở đây đa phần hiểu biết về pháp luật còn rất hạn chế. Xác định việc phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao nhận thức của người dân, nên ngay từ khi đề ra mục tiêu đưa Hưng Thịnh thành làng văn hoá cấp tỉnh, chi bộ Đảng cùng với ban quản lý thôn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng tủ sách pháp luật. Sau khi đưa ra họp bàn trong thôn và được người dân ủng hộ, cuối năm 2001, Hưng Thịnh xây dựng được tủ sách pháp luật với tổng kinh phí 7 triệu đồng và đặt ngay tại nhà văn hóa thôn. <o></o>
Từ vài chục đầu sách ban đầu, đến nay tủ sách pháp luật có gần 700 đầu sách các loại. Không chỉ tập trung vào sách pháp luật mà tủ sách còn nhiều đầu sách thuộc nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế, nông nghiệp, lịch sử, các loại sách giáo khoa... đã thu hút được đông đảo người dân đến đọc. Mỗi ngày “thư viện thôn” đón cả chục lượt người đến đọc. Người nông dân tìm đến đọc sách báo tạp chí để tìm hiểu kiến thức về pháp luật, kiến thức nông nghiệp. Các cháu thiếu nhi, học sinh tìm đọc truyện cổ tích, truyện dân gian... Thông qua tủ sách của thôn, người dân ở Hưng Thịnh có điều kiện tiếp cận với các văn bản pháp luật, những phương pháp làm kinh tế mới để từ đó áp dụng hiệu quả vào cuộc sống và sản xuất. <o></o>
Từ Hưng Thịnh, phong trào xây dựng tủ sách pháp luật đã phát triển tới khắp các thôn, xóm khác của xã Tư Mại. Ông Phạm Đức Luân, Chủ tịch UBND xã Tư Mại cho biết, đến nay, ngoài tủ sách pháp luật đặt tại trụ sở UBND xã, 9/9 thôn trên địa bàn đã có tủ sách pháp luật, với tổng số hơn 3.700 đầu sách các loại thuộc nhiều lĩnh vực người dân quan tâm. Ngoài việc khuyến khích, hỗ trợ các thôn xây dựng tủ sách, để khai thác và quản lý tủ sách pháp luật hiệu quả, UBND xã ban hành quy chế hoạt động đối với các tủ sách pháp luật trên địa bàn xã. Việc quản lý được giao cho cán bộ tư pháp - hộ tịch chịu trách nhiệm quản lý, hướng dẫn, giới thiệu, tuyên truyền và thực hiện việc trao đổi tài liệu, sách báo một cách chặt chẽ, khoa học. Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu thông tin của người dân, ngoài số sách được ngành cấp trên hỗ trợ, trung bình mỗi năm, xã trích ngân sách khoảng 5 triệu đồng để mua bổ sung khoảng 40 đầu sách các loại trang bị cho các tủ sách. <o></o>
Bên cạnh đó, việc luân chuyển sách được tiến hành thường xuyên giữa các thôn tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu, tra cứu, qua đó đối chiếu, vận dụng vào thực tiễn cuộc sống một cách đầy đủ, chính xác và có hệ thống. Để nâng cao hiệu quả tủ sách, hàng tháng, cán bộ được phân công theo dõi tủ sách còn chủ động phối hợp với Đài truyền thanh xã lựa chọn, biên soạn các văn bản pháp luật mới ban hành, nhất là các văn bản pháp luật có liên quan mật thiết đến đời sống, văn bản pháp luật người dân quan tâm... phát trên hệ thống truyền thanh của xã. Theo đó, lượng người dân đến đọc và mượn sách tại các “tủ sách pháp luật” ngày càng tăng. Do làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua việc xây dựng, quản lý, khai thác hiệu quả các tủ sách pháp luật từ xã đến các thôn, xóm, trình độ dân trí của người dân Tư Mại ngày một nâng lên. Số vụ vi phạm pháp luật, mâu thuẫn cá nhân trong thôn, xóm giảm rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương cơ bản ổn định, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” theo đó phát triển rộng khắp.<o></o>
Để nâng cao trình độ dân trí, Nhà nước đã có một số mô hình nhằm đưa sách về nông thôn như: Thư viện xã, điểm bưu điện - văn hóa xã nhưng hiện tại những mô hình này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả. Và mô hình “tủ sách pháp luật” tại xã Tư Mại là một cách làm hiệu quả, cần được khuyến khích nhân rộng để tạo điều kiện cho người nông dân có cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới.<o></o>
<o> </o>
Theo ĐĐK<o></o>

Theo cinet.vn

View more random threads: