Những năm gần đây, nhiều thư viện, tủ sách của các làng văn hóa và gia đình tại Quảng Ðiền (Thừa Thiên - Huế) ra đời, giúp con em trong làng và cả nông dân địa phương trau dồi kiến thức, nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi, phát triển sản xuất. Những 'thủ thư' ở các làng đã tận tụy với công việc, không lương bổng, không thù lao, miễn là giúp nhiều người đến đọc sách. Trẻ em mê sách, người lớn cũng mê, mê đến nỗi họ quyết tâm xây dựng một tủ sách trong làng, trong nhà và mở cửa miễn phí cho các cháu vào đọc. Bởi, cứ nhìn những đứa trẻ đọc sách một cách say sưa ấy, nhiều người đã thấy hình bóng của mình trong đó. Chính sự đam mê đọc sách của các em đã hình thành hơn 20 thư viện sách ở các làng văn hóa huyện Quảng Ðiền. Gọi là thư viện, nhưng chính xác là những tủ sách của làng và của các hộ gia đình với độ chừng 10 nghìn đầu sách, chưa kể tạp chí, báo các loại. Những cuốn sách được bao bọc cẩn thận, xếp ngay ngắn trên giá minh chứng cho sự quý trọng đời sống tinh thần ở một huyện điểm văn hóa tại Thừa Thiên - Huế.<o></o>
Thị trấn Sịa là địa phương có đến sáu tủ sách của làng và gia đình. Trong đó, thôn Thạch Bình có một thư viện làng ra đời sớm và hoạt động hiệu quả nhất tại Quảng Ðiền với hơn 4.000 đầu sách. Người đọc được phát thẻ, có thư mục sách, cũng phải giữ yên lặng không làm phiền người khác, nghĩa là tuân thủ các nội quy như những thư viện lớn trong tỉnh. Chỉ khác, thư viện làng không hề thu tiền. Mỗi tuần, thôn mở cửa từ 2 đến 3 ngày, mỗi ngày thu hút từ 60 đến 70 lượt người đọc. Trẻ em say sưa đọc truyện cổ tích, truyện tranh, tập những bài hát đồng dao qua sách, đọc sách tham khảo, nâng cao việc học của mình. Người lớn thì quan tâm các sách về dịch bệnh, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản...<o></o>
Cũng tại thị trấn Sịa, tủ sách ở thôn An Gia có gần 2.000 cuốn. Ông Hoàng Hữu Hy (70 tuổi), 'thủ thư' của làng kể rằng, ông mê sách báo từ nhỏ, cho nên thấy các em thiếu thốn sách vở để tham khảo là ông lại chạnh lòng. Tủ sách ấy ông đã huy động các giáo viên, bà con trong làng ủng hộ mỗi người một cuốn. 'Mỗi lần thấy các cháu vào tủ sách tìm đọc là tui rất vui. Tui già cả rồi, không làm được chi nữa, chỉ mong tủ sách này càng có nhiều sách, các cháu thường lui tới tìm đọc và học thật giỏi, sau này sống có ích cho xã hội' - ông Hy tâm sự. Nói về các tủ sách ở thị trấn, cô Nguyễn Thị Việt, quản lý Thư viện Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Sịa) cho biết: 'Nhu cầu đọc sách của các em trên địa bàn rất lớn. Hiện thư viện có 12 nghìn bản sách nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ cho các em. Vì vậy, những tủ sách tại các làng được mở ra ngày càng nhiều đã góp phần giảm tải cho thư viện huyện, thị trấn và các em dễ tiếp cận hơn mỗi lúc, mỗi nơi'.<o></o>
Khác với tủ sách của làng là có nhiều đầu sách, có quy định giờ mở cửa, có thẻ đọc, có sổ ghi chép... thì tủ sách gia đình lại khá thoải mái về giờ giấc. Ở thôn Hà Lạc (xã Quảng Lợi) có ông Hồ Văn Dũng vốn là một nhà giáo đã chuyển ngành. Tuổi thơ lớn lên trong nghèo khó, gian nan không có điều kiện học hành nhưng chính những cuốn sách mà ông mượn từ bạn bè, thầy cô đã cho ông tri thức, kinh nghiệm và tình yêu cuộc sống. Ước ao có một tủ sách gia đình để giúp các em đọc đã thôi thúc ông tìm mọi cách xây dựng cho bằng được. Từ năm 2008 đến nay, tủ sách của gia đình ông đã có chừng 500 cuốn với đủ các loại, từ sách tham khảo cho học sinh tiểu học, THCS, PTTH, đến sách khoa học - kỹ thuật, sách y học, truyện ngắn. Nhà ông ở gần Trường tiểu học xã Quảng Lợi, mỗi khi rảnh rỗi, các em học sinh lại chạy sang tủ sách của ông mượn đọc. Mỗi khi vắng nhà, ông lại bàn giao cho vợ, vợ ông vừa bán hàng, vừa mở cửa cho các em vào đọc. Ðiều làm ông vui nhất chính là ý thức tự giác của các em học sinh nơi đây. Ông không làm thẻ, không ghi chép, các em tự ghi vào sổ mượn bao nhiêu sách, bao nhiêu ngày rồi tự đến trả, vậy mà ông chẳng bao giờ mất cuốn nào. Hai vợ chồng ông bàn bạc, thôi thì 'chật nhà nhưng không chật bụng', bố trí một 'phòng đọc' sau quán nước của mình với bộ bàn ghế chừng mười người đọc. Ấy vậy, lắm lúc cũng chẳng đủ chỗ, bọn trẻ ngồi ở gốc cây, sân vườn... miễn là có sách đọc. Không chỉ cho mượn sách, ông Dũng cũng là người định hướng cho các em đọc sách sao cho phù hợp với lứa tuổi.<o></o>
Ðiều làm chúng tôi thấy thú vị khi tiếp xúc với những 'thủ thư' ở tủ sách của làng là họ rất mê sách. Niềm đam mê ấy đã truyền sang mọi người. Mừng hơn, những người 'thủ thư' không lương bổng đã dốc hết tâm huyết, kêu gọi người thân quen góp sách để nguồn sách phục vụ bạn đọc ngày càng dày thêm. Họ là những người nông dân hiền lành, chất phác, thế nhưng sau những ngày xuống ruộng, các bác lại viết thư, đến 'gõ cửa' các thư viện lớn, các gia đình trong làng, xã và bạn bè khắp nơi để xin sách. Không những thế, có bác còn trích phần phụ cấp ít ỏi của mình để mua những cuốn sách mới, sách hay cho tủ sách của làng. Thấy các bác nhiệt tình, bà con đồng hương, cán bộ công chức, có người tặng cả trăm cuốn sách. Sách, truyện, báo được huy động nhờ những người làng hiếu học, thành đạt đang sống trong và ngoài tỉnh. Ðặc biệt, nhóm thiện nguyện từ TP Hồ Chí Minh là những nhà tài trợ mạnh của các làng trong việc duy trì tủ sách. Cách đây chừng bốn đến năm năm, ông Lê Hữu Thận, giáo viên của huyện Quảng Ðiền trước đây hiện đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh đã vận động hỗ trợ tám tủ sách ở thôn. Không bị động, ngồi chờ nguồn sách của các nhà hảo tâm, nhiều thôn đã huy động các đoàn thể, người dân và trích quỹ khuyến học để mua thêm sách cho các em. Nhất là nguồn sách tham khảo, nâng cao dành cho các em thi tốt nghiệp, học đại học và sách giáo khoa các cấp cho học sinh nghèo trong làng mượn học. Nhiều nơi sáng tạo hơn, đã trao đổi sách giữa thôn này với thôn kia. Ông Bùi Bĩnh, Trưởng thôn Thạch Bình (thị trấn Sịa) cho biết: 'Mỗi khi có sách mới về, bọn trẻ thích lắm, chúng ngồi hàng giờ đồng hồ, quên cả ăn cơm. Chỉ chừng ấy thôi cũng làm chúng tôi phấn chấn, tìm mọi cách để có thật nhiều sách cho các em'.<o></o>
Làng có tủ sách của làng, phụ huynh mừng vì không phải quản con trong dịp hè. Các cháu trong thôn cũng siêng học hẳn ra, thay vì những cuộc đi chơi vô bổ như trước đây. Bác Lê Văn Thành, một nông dân ở thôn Thủ Lễ (xã Quảng Phước) cho biết: 'Từ khi có tủ sách làng, chúng tôi đã biết thêm nhiều kiến thức trong chăn nuôi, chăm bón hoa màu, lúa, kỹ thuật trồng nấm... sao cho hiệu quả. Trẻ em trong làng đã hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ, giúp chúng tránh xa các tệ nạn xã hội, nâng cao hiểu biết và sự ham học'. <o></o>
Những tủ sách của làng ngày càng mở rộng ở Quảng Ðiền, nhất là trong năm năm trở lại đây. Nghiệm rằng, nhờ vào những 'bồ chữ' của làng mà học sinh đỗ đạt ngày càng nhiều. Làng nào có tủ sách phong phú, nhiều đầu sách thì y rằng số học sinh trong thôn đạt học sinh khá, giỏi càng tăng. Nhằm tăng thêm tình yêu sách, một vài thư viện làng còn tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận về những cuốn sách cho thiếu nhi, phần thưởng là tác phẩm mới hoặc tập vở. Kinh phí tổ chức đều trích từ tiền túi của những 'thủ thư', hoạt động ấy khiến văn hóa đọc ở các làng quê càng sôi nổi.<o></o>
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Ðiền Hoàng Ðăng Khoa, việc hình thành các tủ sách làng bắt nguồn từ phong trào khuyến học của huyện. Toàn huyện có đến hơn 3.700 gia đình hiếu học; đã thành lập được 11 trung tâm học tập cộng đồng tại 11 xã, thị trấn. Nhiều gia đình, dòng họ, làng, thôn đã có nhiều thành tích trong công tác khuyến học, khuyến tài. Còn Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Trương Công Biện thì đánh giá: 'Nhờ vào các thư viện, tủ sách ở các làng mà các em học sinh ở Quảng Ðiền có kết quả học tập khá cao. Năm học 2009-2010, toàn huyện có 37 em học sinh lớp 9 đạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, 53 em học sinh đạt giải kỳ thi toán qua in-tơ-nét, trong đó có bốn em đạt giải cấp quốc gia. Tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT là 98,6% và có 838 em thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.<o></o>
'Ðọc muôn quyển sách, đi muôn dặm đường', sách sẽ làm phong phú thêm đời sống văn hóa và bổ sung những khiếm khuyết về tri thức do khoảng cách vùng miền tạo ra. Ðược như vậy, một phần quan trọng cũng là nhờ những thư viện sách nho nhỏ dưới luỹ tre làng. Chính những tủ sách, thư viện bé nhỏ ấy là những kho kiến thức vô giá để chắp cánh cho những ước mơ.<o></o>
<o> </o>
Theo ND<o></o>

Theo cinet.vn

View more random threads: