(Cinet) – Sinh thời, Vladimir Ilyich Lenin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức, không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”, câu nói ấy cho thấy sách báo là món ăn tinh thần không thể thiếu với mỗi chúng ta.Trong tương lai, cho dù hệ thống công nghệ thông tin sẽ còn phát triển theo hướng hiện đại hóa, đó là xu thế tất yếu, nhưng không thể phủ nhận vai trò của hệ thống thư viện cấp huyện, thị; nó được ví như kho tri thức thu nhỏ, để nhân dân dễ tiếp cận, tìm hiểu và vận dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày. <o></o>
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn hiện nay ở đó là, hệ thống Thư viện một số tỉnh thành đặc biệt là các tỉnh miền núi biên giới, hệ thống Thư viện cấp huyện ngày càng 'èo uột' không thể đáp ứng nhu cầu tham khảo, tra cứu, học tập nâng cao kiến thức của đồng bào các dân tộc địa phương.<o></o>
Tỉnh miền núi biên giới Điện Biên hiện có 9 thư viện cấp huyện, thị, thành phố (gọi chung là thư viện cấp huyện). Qua tìm hiểu được biết, hiện nay hệ thống thư viện cấp huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chuyên môn, kinh phí đầu tư bổ sung đầu sách, báo. Trình độ của cán bộ công chức còn bất cập do không được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Không nói đâu xa, Thư viện huyện Điện Biên - một cơ sở gần Thư viện tỉnh quản lý, gần trung tâm tỉnh lỵ nhất mà vẫn gặp khó khăn về mọi mặt như: Thiếu đầu sách, báo, tạp chí, thiếu chỗ ngồi cho độc giả đọc.<o></o>
Gần nửa năm huyện lỵ Điện Biên chuyển về địa bàn mới ở Pú Tỉu, do không có nhà, nên cho đến bây giờ Thư viện còn phải hoạt động chung với Phòng Văn hóa - Thể thao huyện, nên đành tạm đóng cửa. Trước thời điểm chưa chuyển huyện về địa điểm mới, Thư viện huyện Điện Biên cũng chỉ là nhà tạm cấp 4, diện tích chật hẹp, không đủ chỗ cho bạn đọc tra cứu sách, đọc báo; kinh phí đầu tư bổ sung đầu sách năm cao nhất chỉ được 5 triệu đồng. Hay như Thư viện thị xã Mường Lay, cũng do thiếu kinh phí hoạt động, thiếu cơ sở vật chất nên đã “cửa đóng, then cài” nhiều tháng, chưa biết đến bao giờ mới “tái ngộ cùng độc giả”? <o></o>
Trao đổi với PV về chức năng thư viện huyện, bà Lò Thị Thanh Hằng - Giám đốc Thư viện tỉnh Điện Biên cho biết: Với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn như Điện Biên thì lâu nay hệ thống thư viện cấp huyện luôn góp phần quan trọng vào việc đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thông qua việc phục vụ tại cơ sở. Từ người có trình độ thấp đến trình độ cao; các cụ hưu trí và giới trí thức; học sinh, sinh viên, bà con nông dân tra cứu, tìm hiểu kiến thức làm cẩm nang, hành trang cho cuộc sống.

Nhưng do kinh phí đầu tư cho các hoạt động của thư viện huyện quá hạn hẹp, không đủ để duy trì đầu sách, báo và bổ sung sách mới phục vụ bạn đọc. Hiện nay, trong hệ thống thư viện cấp huyện chỉ có Thư viện huyện Tuần Giáo được đầu tư xây dựng trụ sở cách đây gần 15 năm; Thư viện thành phố Điện Biên Phủ, nhiều năm nay vẫn chịu cảnh thuê chỗ làm việc. Thư viện các huyện, thị còn lại trong tình trạng nhà tạm, xiêu vẹo và chật chội; ít nhất 70% thư viện huyện, thị không được quan tâm đầu tư bổ sung sách, báo mới. Nhân viên (thủ thư) của 8/9 thư viện cấp huyện không được đào tạo đúng chuyên ngành, vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của thư viện cấp huyện. Trang thiết bị của hầu hết các thư viện huyện, thị không có gì ngoài vài giá kê sách, báo bằng gỗ, vênh váo, gãy mục vì quá niên hạn sử dụng, do thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa bổ sung, nâng cấp. <o></o>
Một thực trạng buồn đến độ thật khó tin là giữa thời đại bùng nổ công nghệ số, mà tại thời điểm này 100% thư viện các huyện, thị trong tỉnh chưa được trang bị máy vi tính phục vụ chuyên môn, tra cứu thông tin, quản lý dữ liệu... Ai cũng biết xã hội phát triển, trình độ dân trí ngày càng cao thì nhu cầu hưởng thụ văn hóa càng lớn; nếu không có sự quan tâm đầu tư, đổi mới phù hợp thì e rằng hệ thống thư viện cấp huyện, không thể đảm đương chức năng vốn có. <o></o>
Một tỉnh miền núi như Điện Biên, phát triển và mở rộng hệ thống thư viện cấp huyện vẫn là cần thiết và phù hợp, khi trình độ dân trí khu vực còn hạn chế nhiều mặt. Các huyện, thị vùng cao, vùng sâu như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Điện Biên Đông - nơi có nhiều đồng bào các dân tộc, bà con còn khó khăn về đời sống vật chất, chi phí mua sắm các phương tiện nghe, nhìn phục vụ nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần qua màn hình ti vi là quá khó. Vì vậy, thư viện huyện vẫn là nơi để đồng bào đến tham khảo, tìm hiểu thông tin, nhất là học sinh, sinh viên, các em thiếu niên, nhi đồng. <o></o>
Để vực dậy hệ thống thư viện cấp huyện của tỉnh Điện Biên nói riêng và một số địa phương khác trong cả nước nói chung, mà trước hết là để duy trì văn hóa đọc như một nét đẹp tinh thần, cần có sự vào cuộc, quan tâm đồng bộ của nhiều cấp ngành liên quan, có cơ chế, chính sách phù hợp, đổi mới quản lý, hướng dẫn, phân cấp rõ ràng, cụ thể, đầu tư tương xứng kinh phí hoạt động cho công tác thư viện. Mặt khác, có chính sách đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công chức hệ thống thư viện cấp huyện; đưa công nghệ thông tin vào quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu thư viện qua mạng... <o></o>
<o> </o>
HN – Cinet/TTX<o></o>

Theo cinet.vn

View more random threads: