Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện cả nước có 46 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng với quy mô khác nhau. Đây được coi là một điểm sáng văn hóa cơ sở, cần được nhân rộng. Tuy nhiên, để mô hình thư viện tư nhân phát triển hơn rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Trái với sự thiếu vắng bạn đọc đang diễn ra khá phổ biến ở hàng loạt thư viện tỉnh, huyện thì ở nhiều miền quê, thư viện tư nhân lại đang có sức hút đối với nhiều đối tượng bạn đọc. Dẫu không quy mô về số lượng đầu sách, cũng như còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, song ở đó người dân vẫn có thể tìm thấy những gì mình cần khi đến với thư viện tư nhân. Các loại sách báo của thư viện tư nhân phần lớn là sách văn học, khoa học kỹ thuật, nông - lâm - ngư nghiệp, sách chăm sóc sức khỏe, sách thiếu nhi, sách luyện thi đại học, các sách nghiên cứu... Chủ nhân của các thư viện là những người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Họ lập nên thư viện với mong muốn giúp trẻ em hình thành thói quen đọc sách, từ đó xa lánh các tệ nạn xã hội và những trò chơi vô bổ; mong muốn giúp bà con nông dân có thêm nhiều thông tin, kiến thức, đặc biệt là những tri thức về trồng trọt, chăn nuôiphát triển sản xuất, tăng thu nhập. <o></o>
Thực tế, để thành lập thư viện tư nhân cần đáp ứng các điều kiện: có ít nhất 500 bản sách về một hay nhiều môn tri thức khoa học và 1 tên ấn phẩm định kỳ, có diện tích đủ cho ít nhất 10 chỗ ngồi đọc, không ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông, các thiết bị chuyên dùng ban đầu như giá, tủ để tài liệu... Đây quả là điều không dễ dàng đối với nhiều người khi điều kiện kinh tế còn hạn hẹp. Bởi nhìn lại những chủ nhân thư viện tư nhân, đa số đều là cán bộ hưu trí. Họ không thể dành toàn bộ số lương hưu để làm công việc này. Không ít người khi bắt đầu ý tưởng xây dựng thư viện chỉ bằng số lượng sách mà mình đang có. Cho nên thiếu nguồn sách mới sẽ dẫn đến việc cập nhật sách báo mới càng khó khăn. Nhiều thư viện tư nhân vẫn phải dùng lại sách báo đã cũ.<o></o>
Trao đổi với chúng tôi, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết: thư viện tư nhân thực sự cần thiết trong đời sống sinh hoạt của người dân. Qua kết quả khảo sát của Bộ VH, TT và DL, mô hình này hiện đang hoạt động có hiệu quả, trải đều khắp các vùng miền kể cả nông thôn, miền núi và thành thị. Tuy nhiên, một trong những khó khăn chung mà các thư viện tư nhân hiện nay đều đang vướng mắc đó là nguồn sách thường xuyên cập nhật còn rất ít. <o></o>
Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02 quy định về tổ chức và hoạt động của mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Nghị định ra đời đã tạo hành lang pháp lý để thư viện tư nhân phát triển. Nhiều thư viện tư nhân đã hoạt động tốt hơn khi nhận được trợ giúp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan đoàn thể. Đặc biệt, theo định kỳ từ 3 đến 6 tháng đều nhận được sách báo luân chuyển từ thư viện tỉnh và huyện về. Số lượng sách báo được cập nhật đều đặn hơn. <o></o>
Tuy nhiên, cũng theo Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Mai, sự hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa vẫn chưa mạnh. Nguyên nhân chính do mô hình này chưa được truyền thông, quảng bá rộng rãi đến quần chúng nhân dân nên sự đóng góp sách báo mới mang tính tự phát, ở một số ít đơn vị, cá nhân tự biết, tự tìm đến tặng sách báo. Do đó, để mô hình này được nhân rộng, rất cần những chiến lược quảng bá, thu hút các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ tiền mặt hoặc sách báo nhằm giúp các thư viện tư nhân có một lượng sách báo cập nhật thường xuyên. <o></o>
Không ít ý kiến cho rằng, hiện một số nhà sách đã có thương hiệu trên thị trường là đối tượng có thể giúp thư viện tư nhân bù đắp chỗ trống về nguồn sách. Nên chăng, các cơ quan chức năng đứng ra phát động, kêu gọi sự tài trợ hoặc đứng ra đỡ đầu một vài địa chỉ thư viện tư nhân cũng là điều nên làm. Hoặc có thể các cơ quan ở địa phương hàng tuần thu gom sách báo không dùng đến đem cho thư viện huyện để từ đây lại lưu chuyển đến thư viện tư nhân hoặc các điểm văn hóa xã.<o></o>
Có thể nói, thư viện tư nhân là những điểm sáng văn hóa ở cơ sở, cần được nhân rộng. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng nếu chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng liên quan nỗ lực, cả xã hội cùng chung tay, chắc chắn sẽ có nhiều thư viện tư nhân ra đời và phát triển, góp phần nâng cao dân trí cũng như nâng cao văn hóa đọc cho toàn dân.<o></o>
<o> </o>
Theo ĐBND<o></o>

Theo cinet.vn

View more random threads: