Thư viện xã là một thiết chế gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân ở cơ sở. Khi thiết chế này phát huy hiệu quả sẽ góp phần quan trọng khơi dậy văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân.

<strong style=''>[/B]Theo thường lệ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, Thư viện xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy) mở cửa phục vụ nhu cầu tìm và đọc sách của người dân. Không phân biệt già, trẻ, học sinh hay công nhân lao động hễ ai có nhu cầu đọc sách là có thể tự do vào đọc. Thư viện xã được đặt trong nhà văn hóa nên rất thuận tiện cho bà con vào tìm đọc. Tại đây, người dân có thể vừa đọc sách, đồng thời có thể dạo quanh nhà văn hóa tìm hiểu tiểu sử của các vị lãnh đạo, những người có công với địa phương qua các thời kỳ. Chị Võ Kiều Oanh, cán bộ thư viện xã chia sẻ: Năm 2008, phòng đọc sách xã được nâng cấp lên thành thư viện xã, bước đầu hình thành thư viện xã gặp nhiều khó khăn như: Cơ sở vật chất ban đầu thiếu thốn, chỉ có 2 kệ sách, với khoảng 1.000 đầu sách nhưng khi xây dựng xã nông thôn mới được huyện hỗ trợ 4 kệ, nâng lên 2.448 đầu sách các loại. Trong đó, sách dành cho thiếu nhi là 1.146 đầu sách, sách dành cho người lớn là 1.302 đầu sách. Ngoài ra còn có báo, tạp chí đã đáp ứng khá tốt nhu cầu đọc sách của nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, thư viện xã còn được huyện hỗ trợ một bộ máy vi tính giúp cho việc tìm và tra cứu sách được dễ dàng. Anh Trần Thanh Toàn, giáo viên dạy môn văn Trường THCS Vị Thanh, xã Vị Thanh cho biết: “Thư viện xã có rất nhiều loại sách, đặc biệt là các sách về Đảng, Bác Hồ, các danh nhân, nhà văn, nhà thơ… nên tôi rất hay tìm đến để nghiên cứu và bồi dưỡng thêm chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác giảng dạy”.
Không chỉ là nơi các thầy cô giáo tìm sách, mà nơi đây còn là điểm đến lý tưởng của các em học sinh vào những giờ rảnh. Chị Võ Kiều Oanh, cán bộ thư viện xã cho biết: “Thư viện có thuận lợi là được xây dựng cạnh tuyến đường, nguồn sách lại phong phú nên vào thời gian rảnh rỗi các em học sinh, người dân và cán bộ xã đến đọc rất nhiều”.
Thư viện là một môi trường sinh hoạt văn hóa rất lành mạnh và bổ ích, vì thế nơi đây luôn là điểm đến lý tưởng của các em học sinh. Có em đến giải trí bằng cách đọc truyện tranh, đọc tạp chí nhưng cũng có khá đông em tìm đến để bổ sung thêm nguồn kiến thức cho mình bằng các sách tham khảo về văn học, tự nhiên, xã hội… Em Ngô Thị Diễm, học sinh Trường THCS Vị Thanh cũng tranh thủ những giờ rảnh đến thư viện xã để tìm đọc sách về các tác giả, tác phẩm văn học, hay học cách viết từ các bài bình luận của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Em nói: “Ở Thư viện xã Vị Thanh em có thể tìm đọc nhiều loại sách tham khảo, sách nghiên cứu rất hay mà thư viện trường chưa có. Vì vậy, cứ rảnh rỗi là em lại tìm đến thư viện này để đọc sách”. Ngoài thu hút bạn đọc là những thầy cô giáo, các em học sinh, cán bộ xã, thư viện còn thu hút những người dân sinh sống tại địa phương. Chị Nguyễn Cẩm Gấm, ở ấp 1, xã Vị Thanh cũng là một độc giả trung thành của thư viện chia sẻ: “Nhờ đến thư viện thường xuyên, được đọc các sách, báo tạp chí gia đình mà tôi biết thêm cách nuôi dạy con ngoan, học giỏi, cách chăm sóc sức khỏe gia đình. Đặc biệt, là sách hướng dẫn cách làm món ăn ngon, bổ dưỡng. Nhờ vậy mà bữa cơm gia đình ngày càng ngon và hạnh phúc hơn. Tuy bận việc mua bán hàng ngày nhưng tôi vẫn dành một ít thời gian đến thư viện tìm sách”. Từ những tác động tích cực mà thư viện mang lại, văn hóa đọc đã trở thành thói quen trong sinh hoạt văn hóa của người dân.
Cán bộ thư viện chính là cầu nối đưa tri thức đến cho bạn đọc. Nhờ cách phục vụ tận tình và cách bố trí sách thuận tiện, đẹp mắt nên hằng năm Thư viện xã Vị Thanh phục vụ cho trên 1.500 lượt bạn đọc. Chất lượng hoạt động của thư viện không ngừng nâng lên, đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí của người dân. Công tác vận động và bổ sung nguồn sách mới hàng quý luôn được thư viện thực hiện tốt đáp ứng nhu cầu đọc sách của người dân. Tuy nhiên, hiện nay thư viện cũng đang gặp một số khó khăn như nguồn kinh phí hoạt động còn hạn chế, số lượng sách, báo mới chưa nhiều nên cũng gây khó trong công tác phục vụ bạn đọc của thư viện.
Với mong muốn vực dậy văn hóa đọc vốn bị coi nhẹ trong thời buổi bùng nổ thông tin trên internet và các phương tiện nghe nhìn khác, thư viện đã góp phần duy trì và phát triển văn hóa đọc, giúp cho mọi người đến với sách và đưa sách trở thành người bạn hữu dụng trong cuộc sống.
Ông Phạm Việt Khởi, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Thanh cho biết: “Từ những hiệu quả mà thư viện xã mang lại, địa phương sẽ tích cực hơn trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ để thư viện thật sự là điểm lựa chọn lý tưởng để người dân tìm hiểu thông tin, phương thức và cách làm kinh tế hiệu quả thông qua sách, báo. Đây cũng là một trong những mục tiêu phấn đấu để xã nhân rộng hơn nữa văn hóa đọc đến với người dân”.
Theo HG

Theo cinet.vn

View more random threads: