Mặc dù đang trở thành đích đến của hệ thống thư viện cả nước nhưng trên thực tế, việc số hoá tài liệu vẫn còn rất mới mẻ và khiến nhiều thư viện bộc lộ sự lúng túng. Bên cạnh đó, ở nhiều địa phương, việc số hoá những kho tàng tri thức đã góp phần quan trọng trong bảo tồn di sản văn hoá và phát triển KT-XH. Tra cứu tài liệu điện tử tại Thư viện tỉnh Quảng Ninh.
Lựa chọn tối ưu
Th.s Trần Văn Hà (Thư viện Hà Nội) cho rằng, bộ sưu tập số là một trong những sự lựa chọn tối ưu để bảo quản lâu dài các tài liệu quý hiếm, ngăn chặn rủi ro do thời gian, thiên tai, khí hậu và tần suất sử dụng. Tại Thư viện Hà Nội, số hoá tài liệu có thể xem như một giải pháp “cứu cánh” khi một kho tàng tri thức đồ sộ, đặc biệt là những tài liệu giá trị bằng chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Pháp và những tài liệu có cách đây khoảng 100 năm đã bị thời gian và sự biến đổi khí hậu ăn mòn. Bản gốc của các tài liệu nếu thường xuyên cho người đọc sử dụng cũng sẽ nhanh chóng bị hư hại.
Đối với công tác bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long- Hà Nội, theo Th.s Trần Văn Hà, yêu cầu số hoá tài liệu càng trở nên quan trọng. Từ bộ sưu tập số có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ thông tin thực sự có giá trị, đáp ứng đa dạng nhu cầu nghiên cứu của các nhóm độc giả. Việc số hoá tài liệu cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho độc giả trong việc tra cứu, từ tên tác giả, tài liệu, tên các địa danh, nhân vật...
Tại Thư viện KHTH TP.HCM, việc số hoá tài liệu cũng đã được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo Giám đốc Thư viện Bùi Xuân Đức, việc số hoá không chỉ có giá trị trong giữ gìn, bảo quản vốn tài liệu quý hiếm mà còn thuận lợi hơn trong việc chia sẻ ra cộng đồng những bộ sưu tập tài liệu số. Từ năm 1998, Thư viện đã có chương trình số hoá đầu tiên với sản phẩm là bộ sưu tập số khoảng 10 nhan đề sách kho Đông Dương và chương trình nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn - TP.HCM.
Năm 2003, Thư viện KHTH TP.HCM đã thực sự bắt tay lập kế hoạch số hoá tài liệu, xây dựng một số cơ sở dữ liệu toàn văn để đáp ứng nhu cầu của độc giả. Từ năm 2007 đến nay, ngoài công tác số hoá tài liệu hằng năm, Thư viện này đã phối hợp với Thư viện Thừa Thiên- Huế tập trung thực hiện dự án sưu tầm, số hoá tài liệu Hán Nôm của các dòng họ tại các tỉnh Bắc miền Trung, đặc biệt ở Huế.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ VHTTDL cho biết, một trong những hướng ưu tiên mà các thư viện trong cả nước đang hướng tới là số hoá các tài liệu quý hiếm và tài liệu địa chí. Trong đó, 55,8% thư viện tiến hành số hoá tài liệu địa chí và 20,9% số hoá tài liệu quý hiếm.
Đối mặt nhiều thách thức
Mặc dù là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ song nhiều thư viện đã thực hiện số hoá một lượng tài liệu đáng kể, tích cực góp phần gìn giữ khối di sản văn hoá vô giá của dân tộc. Điển hình như tại Thư viện Quốc gia VN, công tác số hoá đã được bắt đầu với đối tượng luận án. Hiện, Thư viện đã số hoá được gần 16 ngàn bản, tương đương với 2.500.000 trang. Bên cạnh đó là nhiều tài liệu quý hiếm đã được số hoá với bộ sưu tập Đông Dương Thống kê đã hình thành với 829 cuốn, bộ sưu tập Thăng Long- Hà Nội với 850 cuốn.
Tại nhiều Thư viện tỉnh, hàng triệu trang tài liệu quý hiếm, các bản sắc phong độc nhất vô nhị, những luận văn luận án giá trị... đã được lưu giữ trong những bộ sưu tập số vĩnh cửu với thời gian. Bên cạnh đó, các thư viện đa ngành, chuyên ngành cũng tiến hành số hoá, gia tăng thêm các nguồn lực thông tin số.
Tuy nhiên, cũng bởi xuất phát điểm còn mới mẻ nên nhiều thư viện đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức trong công tác số hoá tài liệu. “Không biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, loại tài liệu nào cần được ưu tiên số hoá và chia sẻ, phân phối nguồn tài liệu số này ra sao... là những khó khăn mà các thư viện đang gặp phải”, bà Nguyễn Thị Thanh Mai cho biết. Việc số hoá tài liệu vì thế còn tiến hành tự phát, manh mún, thiếu tập trung và thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các thư viện. Cho đến nay, vẫn chưa có một tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm thống nhất cho công tác số hoá tài liệu trong các thư viện được đặt ra. Nguồn kinh phí dành cho hoạt động này cũng còn eo hẹp.
Được biết, về phương hướng đẩy mạnh số hoá tài liệu trong các thư viện giai đoạn 2011-2015, Bộ VHTTDL sẽ xây dựng chính sách cụ thể cho quá trình này, trong đó sẽ quy định cụ thể đối với từng loại hình thư viện ở cấp quốc gia, cấp tỉnh, huyện và thư viện tại các trường đại học, viện nghiên cứu... Trên cơ sở đó, các thư viện sẽ có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài liệu được số hoá của mình.
Theo VH

Theo cinet.vn

View more random threads: