(Cinet)- Chiều ngày 08/10, tại Hà Nội, Hội nghị hiệp hội các bảo tàng quốc gia châu Á lần thứ 4 (ANMA 4) đã tiến hành phiên họp mở rộng với sự tham dự của 12 trên tổng số 14 thành viên chính thức. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đã tới dự. Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên phát biểu chào mừng Hội nghị.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên khẳng định: Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá là sứ mệnh của các bảo tàng. Trong những thập niên qua, các bảo tàng quốc gia ở châu Á đã không ngừng nâng cao nhận thức và hiệu quả của các hoạt động nhằm hiện thực hoá sứ mệnh, tầm nhìn trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá của mỗi quốc gia. “Điều này được thể hiện thông qua thực tế là ngày càng nhiều các di sản văn hoá ở mỗi quốc gia được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, nhiều hiện vật được chính phủ các nước xếp hạng là bảo vật quốc gia”, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, ở mỗi bảo tàng lại có những ưu tiên, những thế mạnh khác nhau về các bộ sưu tập cũng như cách thức hoạt động trong việc bảo vệ, giới thiệu các di sản văn hoá đến với công chúng. Cũng từ vai trò, vị trí của các bảo tàng quốc gia trong việc chia sẻ kinh nghiệm hoạt động và tăng cường quảng bá di sản văn hoá, Hiệp hội Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA) ra đời nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác và trao đổi văn hoá giữa các quốc gia châu Á để phối hợp hành động, đưa giá trị các di sản văn hoá châu Á đến với công chúng ngày một đa dạng và phong phú hơn.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng khẳng định: Bộ VHTTDL sẽ luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt nam tham dự đầy đủ, có trách nhiệm trong các hoạt động của Hiệp hội các bảo tàng quốc gia châu Á, với mong muốn Hiệp hội ngày càng phát triển lớn mạnh, là chỗ dựa vững chắc, tạo điều kiện tốt nhất cho các bảo tàng quốc gia ở châu Á phát triển, góp phần thay đổi xã hội.








Quang cảnh Hội nghị.








Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện cho bảo tàng quốc gia các nước thành viên ANMA đã tập trung trao đổi 3 vấn đề chính: Bảo tàng góp phần thay đổi nhận thức về bảo tồn và phát huy di sản; Bảo tàng với du lịch di sản; Vai trò giáo dục của bảo tàng. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ những bài học kinh nghiệm tốt nhất trong các hoạt động đa dạng của bảo tàng mình, tận dụng cơ hội này để cập nhật thông tin, củng cố quan hệ, đồng thời mở ra các hướng hợp tác song phương và đa phương mới trong tương lai.

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam cho rằng: Trao đổi trưng bày là một hoạt động mang tính tích cực. Cho đến nay những cuộc trưng bày mang tính hợp tác quốc tế ngày càng được phát huy. Các bảo tàng đã có trưng bày chuyên đề có thời hạn, bằng cách mượn các bộ sưu tập của bảo tàng địa phương, từ bộ tập tư nhân trong nước và mượn các bộ sưu tập từ các bảo tàng nước bạn. Có rất nhiều điều mà bảo tàng quốc các bảo tàng quốc gia châu Á có thể học hỏi, chia sẻ lẫn nhau về những kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển.
T.H

Theo cinet.vn

View more random threads: