Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật

Đờn ca tài tử Nam Bộ được tổ chức ngày 27/4 mới đây



(Cinet) – Trong khuôn khổ Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ nhất, Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được tổ chức ngày 27 tháng 4 vừa qua tại tỉnh Bạc Liêu.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cùng đại diện các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ VHTTDL, đại diện lãnh đạo các Sở VHTTDL tham dự festival. Bên cạnh đó, hội thảo còn có sự tham gia của nhiều học giả, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực văn hóa nói chúng, nghệ thuật dân gian nói riêng và các nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca tài tử.

Phát biểu mở đầu hội thảo, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã khẳng định: Trong các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận ở nước ta thì Đờn ca tài tử có vị trí đặc biệt quan trọng vì sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến bất cứ đâu; bởi sức sáng tạo, sự ngẫu hứng làm nên tính bình đẳng, tình đoàn kết giữa những người chơi với nhau. Ở đây, người chơi, cả đờn và ca, đều “nương” nhau, thể hiện một tinh thần “tứ hải giai huynh đệ” rất đặc trưng Nam Bộ.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các đại biểu trình bày đã đi sâu vào việc phân tích loại hình nghệ thuật này như: Cách biểu diễn, lối chơi, bài bản; Quá trình hình thành và phát triển; Yêu tố khác biệt gữa cải lương và Đờn ca; Những đặc tính khoa học của 20 bài bản tố trong nghệ thuật Đờn ca; Những giá trị đặc trưng trong phong cách địa phương…

Cũng tại hội thảo nhiều báo cáo của các địa phương đã nêu lên một thực trạng đáng lo ngại đó là hiện nay tuy có rất nhiều tài tử ca nhưng lại khan hiếm tài tử đờn. Lý do là bởi quá trình học tập, rèn luyện nên mỗi tay đờn đòi hỏi rất nhiều thời gian và lắm công phu. Sự mất cân đối là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn cho việc mai một nghệ thuật Đờn ca tài tử.

Bên cạnh đó, trước những ý kiến cho rằng cần tổ chức thường niên các festival về đờn ca, nhiều nghệ nhân và các học giả đã đồng thuận rằng: Việc tổ chức liên hoan Đờn ca tài tử các cấp phải được thực hiện theo các thuộc tính đặc thù của từng cuộc chơi. Cụ thể: tính thính phòng không doanh thu, tính tâm tấu ngẫu hứng quăng bắt giữa người đờn với người ca hoặc giữa các loại đờn trong cùng 1 bản hòa tấu nhạc cổ, tính chơi trọn 1 bản gốc và tính tri âm giữa những người cùng am hiểu nhạc tài tử.






Nghệ thuật Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật đặc sắc của người dân Nam Bộ





Nghệ thuật Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật mang đậm hồn tính phương nam là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Nam Bộ không thể lẫn với những nền văn hóa khác. Kể từ khi chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đây là lần đầu tiên Festival tầm quốc gia được tổ chức. Festival là dịp gặp gỡ, giao lưu các câu lạc bộ, cac nghệ nhân, nghệ sỹ đờn cả nước. Trong khuôn khổ Festival, Hội thảo Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ nhằm đánh giá rõ hơn về thực chất của đờn ca tài tử Nam Bộ, nhận diễn rõ giá trị của đờn ca để từ đó tìm được giải pháp bảo tồn và phát huy loại hình này theo đúng lộ trình cam kết quốc tế.

Có thể nói hội thảo đã thành công khi lần đầu tiên có nhiều học giả, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ đờn ca đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước cùng hội tụ và tham gia ý kiến đóng góp nhằm tìm ra biện pháp hiệu quả nhất trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản đờn ca tài tử Nam Bộ.

NLH









Theo cinet.vn

View more random threads: