Chiếc xe kéo được vua Thành Thái đặt làm tại Hà Nội

để tặng mẹ là Thái hậu Từ Minh. Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế



(Cinet) – Mặc dù đã rất nỗ lực và quyết liệt trong việc đưa “báu vật hoàng cung” về nước, xong Việt Nam gần như đã tay trắng sau cuộc đấu giá được tổ chức tại Pháp mới đây.

Trong cuộc đấu giá diễn ra tại văn phòng Rouillac, thành phố Tours (Pháp) vào ngày 13-6 vừa qua. Việt Nam dự tính sẽ mua 02 “báu vật hoàng cung của Việt Nam” là Chiếc xe kéo và Chiếc long sàng (giường nằm của vua) của vua Thành Thái. Mặc dù đã rất nỗ lực và quyết liệt để đưa được những báu vật này về Việt nam xong một lần nữa Việt Nam đã gần như trắng tay nếu như không có sự giúp đỡ từ nhiều phía cùng với một chút may mắn.

Trước đó vào đầu tháng 6, sau khi có tin cho biết trong số các hiện vật chuẩn bị được đấu giá tại Pháp có hai hiện vật quý của triều Nguyễn là “Chiếc xe kéo và Chiếc long sàng” của vua Thành Thái. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và giới buôn cổ vật về giá trị vật chất của 02 báu vật này. Qua đó, giá trị ước tính khoảng chừng 50.000 USD. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã ngay lập tức làm tờ trình gửi tới UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và lần đầu tiên UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã duyệt chị số tiền 50.000 USD để mua lại những báu vật triều Nguyễn này.

Ngoài số tiền 50.000 USD, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã vận động các kiều bào tại đây và quyên góp được thêm khoảng 10.000 euro để đóng góp cho nỗ lực đưa các báu vật Việt Nam về nước.






Vua Thành Thái là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ năm 1889-1907. Do chống Pháp nên ông là 1 trong 3 vị vua yêu nước (cùng vua Hàm Nghi và vua Duy Tâm) bị đi đày tại nước ngoài.





Sau khi bàn bạc kỹ với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã quyết định nhờ hai Việt kiều tại đây tham gia thay vì Đại sứ Việt Nam tại Pháp trực tiếp tham gia bởi nếu Đại sứ quán trực tiếp tham gia đấu giá, giá các cổ vật có khả năng bị đẩy lên rất cao. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng tham gia vào cuộc đấu giá này qua điện thoại trực tiếp.

Ngày 13 tháng 6, cuộc đấu giá đã chính thức diễn ra tại văn phòng Rouillac. Chiếc long sàng của vua Thành Thái mang số hiệu 84 được nêu giá khởi điểm là 1.000 euro; còn Chiếu xe kéo mang số hiệu 85 có giá khởi điểm là 2.000 euro.

Năm phút sau khi Chiếc long sàng được nêu giá khởi điểm, báu vật này đã được đẩy lên mức giá là 100.000 euro. Cộng thêm 24% phí tổ chức thì mức giá để mua Chiếc long sàng là 124.000 euro. Như vậy, báu vật này vuột khỏi tay người Việt kiều được nhờ cậy bởi chúng ta không có đủ tiền.

Với báu vật thứ hai là Chiếc xe kéo, mức giá cuối cùng được một khách nước ngoài đưa giá là 44.000 euro. Đại diện Việt Nam đã quyết định nâng lên 45.000 euro, cộng thêm chi phí 24%, mức giá chúng ta phải trả để mua được báu vật là 55.800 euro.

Việc tưởng như đã an bài nhưng bất ngờ đã diễn ra ngay sau cuộc đấu giá. Đó là việc Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á – Guimet, Paris đã tuyên bố việc sẽ mua lại báu vật “Chiếc xe kéo” với cùng mức giá mà Việt Nam đã trả. Theo Luật Nhà nước Pháp ban hành thì: “Các tổ chức thuộc nhà nước được quyền ưu tiên mua hiện vật đấu giá bằng giá các tổ chức, cá nhân đã trúng trong các cuộc đấu giá”. Áp đúng theo Luật này, Việt Nam lại một lần nữa trắng tay. Ngay khi sự việc này diễn ra, phía Việt Nam cũng đã có ý kiến, kiến nghị tới Ban tổ chức cuộc đấu giá và phía Pháp cho biết sẽ công bố việc xác định quyền sở hữu báu vật này cho Bảo Tàng Guimet hay cho Việt Nam trong thời hạn 15 ngày tới.

Một tin vui cho Việt Nam đó là người mua được Chiếc long sàng với giá 124.000 euro là ông Tạ Văn Quang – cháu họ của vua Thành Thái. Ông Tạ Văn Quang đã đồng ý bán lại báu vật này cho Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế. Hiện nay bà con kiều bào và các nhà hảo tâm tại Pháp đang tích cực đóng góp tiền cho Đại sứ quán để ủng hộ việc mua lại hiện vật. Như vậy, báu vật Chiếc long sàng sẽ sớm được trở về quê hương Việt Nam. Còn về việc Chiếc xe kéo, Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Trước mắt, đại sứ Việt Nam tại Pháp sẽ gặp trực tiếp chủ tịch Bảo tàng Guimet để đặt vấn đề được giữ nguyên quyền mua báu vật, đồng thời sẽ tiếp xúc với Bộ Ngoại giáo, Bộ Văn hóa và các cơ quan chức năng Pháp để thuyết phục việc này”.






Chiếc long sàng của vua Thành Thái được bán với giá 124.000 euro trong cuộc đấu giá vừa qua. Anh Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế





Ngày 16 tháng 6 vừa qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã gửi văn bản khẩn đến UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Bộ VHTTDL đề nghị sớm có ý kiến với Chính phủ và Bộ Ngoại giao nhằm tìm giải pháp đưa hiện vật của vua Thành Thái về nước.

Qua cuộc mua báu vật lần này có thể thấy, việc đưa được các “báu vật hoàng cung” trở về quê hương cũng không hề đơn giản nếu không muốn nói là vô cùng gian nan, kể cả khi chúng ta có khả năng tài chính. Dù rằng trên thực tế, hiện nay rất khó để huy động được những nguồn tiền phục vụ việc mua, thu hồi cổ vật của Việt Nam hiện đang lưu lạc trên thế giới. Năm 2010, cũng trong một cuộc đấu giá để đưa báu vật về nước, bức “Chiều tà” (Déclin du jour) của vua Hàm Nghi cũng vuột khỏi tay chúng ta bởi thiếu thông tin và thiếu nguồn tài chính cần thiết.



Theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế thì Chiếc long sàng nhiều khả năng được làm khi vua Thành Thái còn là Thái tử và được vua tiếp tục dùng khi lên ngôi. Chiếc xe kéo được làm từ gỗ trắc, có khảm xà cử, chiếc xe này được vua Thành Thái đặt làm ở Hà Nội để tặng mẹ là Thái hậu Từ Minh. Sau khi bị phế truất và lưu đày năm 1907, vua Thành Thái đã nhượng lại 2 hiện vật cho ông Prosper Jourdan - chỉ huy đội cận vệ của nhà vua lúc bấy giờ. Việc sang nhượng này được chứng thực bằng một giấy viết tay của nhà vua. Những người cháu có quyền thừa kế hợp pháp của ông Jourdan đã quyết định bán đấu giá các vật thông qua văn phòng Rouillac.





Nguyễn Hương



Theo cinet.vn

View more random threads: