Lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer

đã chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia



(Cinet) – Là một lễ hội truyền thống vô cùng độc đáo của đồng bào dân tộc Khmer, lễ hội Ok Om Bok nay đã chính thức trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, điều này mang lại cho người dân Khmer thêm nhiều niềm vui và tự hào về tài sản văn hóa của cha ông.

Lễ hội Ok Om Bok theo tiếng dân tộc còn được gọi là “Phochia Praschanh som paes khee” thực tế là lễ Cúng Trăng. Bởi là lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer nên lễ hội này diễn ra hầu như khắp các tỉnh có người Khmer cư ngụ tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nhất là tại Trà Vinh và Sóc Trăng, ngoài ra còn có Kiên Giang, Cần Thơ tuy nhiên ở những tỉnh này số lượng người dân tộc Khmer không nhiều như tại Trà Vinh.

Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Khmer, thần mặt Trăng được xem là vị thần quan trọng nên được mỗi gia đình, mỗi Phum Sróc và cộng đồng người Khmer suy tôn và thờ cúng. Từ xưa, hàng tháng cứ vào ngày trăng tròn – ngày rằm, người Khmer đều tổ chức lễ cúng trăng tại nhà, cầu cho vị thần này bảo hộ mùa màng để lúa thóc đầy bồ. Đến khi Phật giáo Nam Tông (Therevada) ảnh hưởng, người Khmer vẫn chọn ngày trăng tròn và ngày không trăng (ngày rằm và 30 âm lịch) hàng tháng đến chùa nghe kinh, niệm Phật cầu khấn các vị thần linh trong đó có thần mặt Trăng sẽ phù hộ cho họ có cuộc sống đầy đủ, sung túc.

Lễ hội Ok Om Bok có nhiều nghi thức được tổ chức cúng tại nhà và cúng ở chùa. Thông thường buổi chiều, người dân chuẩn bị các vật cúng chủ yếu là nông sản mà họ sản xuất ra như: Cốm dẹp, chuối, dừa, khoai lang, khoai mì, cam, quít… Đến tối, khi mặt Trăng vừa nhô lên khỏi ngọn tre, người ta sắp xếp các vật cúng đã chuẩn bị sẵn lên một cái bàn có trải vải đặt trước sân. Kế đến, Chủ gia đóng vai trò là chủ tế thắp nhang kính cẩn khấn vái tạ ơn thần mặt Trăng năm qua đã phù hộ, độ trì cho gia đình được bình yên, mạnh khỏe, mùa màng bội thu.






Mâm cũng Trăng trong lễ hội Ok Om Bok của người dân Khmer





Đấy là phần nghi lễ cúng tại các gia đình đồng bào Khmer, phần lễ hội được tổ chức chung tại các tỉnh, các xã lại có quy mô khác với sự tham gia của rất đông người dân mang lại không khí như một ngày tết lớn cho người dân Khmer. Lễ hội Ok Om Bok ở Trà Vinh cũng như ở hầu hết các tỉnh khác đều được bắt đầu bằng cuộc đua ghe ngo, tiếng dân tộc gọi là “Um Tuk Ngua”. Ghe ngo có chiều dài khoảng 24 m, ngang 1,2 m, được làm từ thân cây sao khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar – linh vật của người Khmer. Ghe chứa khoảng 40 tay chèo. Mũi và lái ghe uốn cong. Thân ghe trang trí hoa văn sặc sỡ. Hoa văn đẹp đẽ này còn được chăm chút trên từng cây dầm. Người Khmer coi ghe ngo là vật quý, linh thiêng, chỉ dùng tham dự các buổi lễ quan trọng, như Ok Om Bok.

Người cầm lái cũng như những phụ lái trên ghe được chọn lựa rất kỹ để làm sao có thể điều khiển chiếc ghe chiến thắng trong cuộc đua. Ngồi cặp kè hai hàng dọc dài theo bên trong thân ghe, những chàng trai, cô gái Khmer mặc đồng phục đẹp, nhịp nhàng mái dầm theo tiếng còi hoặc tiếng cồng của người điều khiển.












Ảnh trên: Phần đua ghe và biểu diễn nghệ thuật truyền thống là những phần không thể thiếu trong mỗi lễ hội Ok Om Bok tại tỉnh Trà Vinh.

Ảnh dưới: Người dân đổ về ao Bà Om tham dự lễ hội hàng năm





Từ nhiều năm nay tại Trà Vinh, lễ hội Ok Om Bok được tổ chức với quy mô lớn, không chỉ là ngày hội của đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh mà còn thu hút rất đông khách thăm quan, du lịch từ các tỉnh/thành khác đến tham dự. Tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ hội Ok Om Bok hàng năm tại Ao Bà Om – một thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo của tỉnh. Ao Bà Om nằm cách trung tâm Trà Vinh khoảng 5 km, ao có hình vuông nên người dân còn gọi là Ao Vuông, ao có diện tích khoảng 10 ha. Mặt nước quanh năm trong xanh phẳng lặng, hoa súng hoa sen dập dờn tỏa sắc. Ao Bà Om đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di tích văn hóa lịch sử năm 1992. Đêm hội Ok Om Bok quanh Ao Bà Om thực sự đã trở thành ngày hội lớn với những chương trình nghệ thuật dân tộc được chính người dân tham gia lễ hội trình diễn. Tiếng trống, tiếng kèn, tiếng hát rộn rã vang vọng khắp một vùng rộng lớn.

Với sự công nhận của Bộ VHTTDL mới đây, lễ hội Ok Om Bok nay không chỉ là lễ hội của đồng bào dân tộc Khmer mà đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Điều này mang lại nhiều niềm vui cũng như tự hào cho đồng bào dân tộc Khmer và mở ra nhiều cơ hội mới cho tỉnh Trà Vinh trong việc phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch, góp phần ổn định kinh tế xã hội của tỉnh.

NLH

Theo cinet.vn

View more random threads: