Hình thức canh tác độc đáo trên các hốc đá tại cao nguyên đá

Hà Giang đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể

cấp quốc gia



(Cinet) – Sau 05 đợt công nhận, Việt Nam hiện có tổng cộng 67 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hầu hết các di sản trong số đó thuộc loại hình Nghệ thuật dân gian; Lễ hội; Tập quán tín ngưỡng.

Những loại hình như Tiếng nói, chữ viết và Trí thức dân gian có rất ít di sản được công nhận. Tuy nhiên trong đợt công nhận mới đây nhất ngày 25 tháng 8, trong danh sách 19 di sản được ghi danh có 01 di sản thuộc loại hình Tiếng nói, chữ viết và 01 di sản thuộc loại hình Tri thức dân gian.

Di sản được ghi danh thuộc loại hình Tri thức dân gian lần này là Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang.

Tại tỉnh Hà Giang, có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, nhưng số lượng đông nhất là người Mông. Hình thức canh tác trên hốc đá được đồng bào dân tộc Mông tại các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc tại Hà Giang sáng tạo để trồng trọt, tạo ra lương thực thực phẩm phục vụ đời sống.

Người Mông có tập tục du canh, du cư từ xa xưa. Họ đốt rừng làm nương, sau vài vụ đất bạc màu lại bỏ đi nơi khác. Khi rừng ngày càng cạn kiệt, đồng bào đã kè nương đá, gùi đất, đổ vào hốc đá, trồng cây lương thực, từ đó đã sinh ra hình thức canh tác độc đáo này.

Tri thức canh tác hốc đá thể hiện sức sống mạnh mẽ, tinh thần giữ đất, giữ làng, dù khó khăn đến đâu, các dân tộc vẫn tìm tòi sáng tạo, để duy trì cuộc sống, từng bước vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Không chỉ có vậy, kỹ thuật thổ canh hốc đá, còn liên quan đến những câu chuyện cổ tích về các loài cây trồng, những bài dân ca ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất của đồng bào nơi đây.









Đất đai hiếm, khí hậu khắc nghiệt, địa hình núi đá hiểm trở....tất cả những khó khăn đó dưới sự tìm tòi, sáng tạo, chăm chỉ của đồng bào dân tộc Mông đã trở thành mảnh đất trồng trọt tốt, từ đây đời sông của người dân được ấm no, ổn định..





Trải qua bao thăng trầm lịch sử, bao biến đổi của cuộc sống nhưng cho đến nay người dân tại Hà Giang vẫn giữ gìn và ứng dụng hình thức canh tác hốc đá này trong hoạt động sản xuất của mình. Hà Giang vốn nổi tiếng với cao nguyên đá, bởi núi đá bao phủ nên đất canh tác tại đây rất ít, khí hậu đặc thù với mây mù quanh năm khiến cho việc trồng trọt càng trở nên khó khăn. Đất đai hiếm, khí hậu khắc nghiệt, không phải loài cây nào cũng có thể tồn tại, đồng bào chủ yếu trồng ngô thay cho lúa. Mặc dù sản xuất vẫn gặp rất nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, đất ít, khi hậu khắc nghiệt nhưng đồng bào vẫn chăm chỉ duy trì hình thức canh tác mà cha ông đã sáng tạo nên. May mắn là ngô cũng là một loại cây dễ trồng, vì thế mà đời sống của đồng bào dân tộc đã bớt khó khăn, thiếu thốn kể từ khi phát minh ra cách canh tác độc đáo trên hốc đá.

Không chỉ là một hình thức canh tác để sản xuất ra lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu. Tri thức canh tác hốc đá của đồng bào Mông tại Hà Giang còn là sự kết tinh những giá trị trong cuộc sông tại vùng cao nguyên núi đá, là bản sắc văn hóa mà không phải dân tộc nào cũng có được.

NLH











Theo cinet.vn

View more random threads: