Nhóm 4 khẩu thần công được đặt tên theo 4 mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông.



(Cinet)- “Cửu vị thần công” là 1 trong 30 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là “Bảo vật Quốc gia Việt Nam” lần đầu tiên (ngày 1/10/2012). Tuy nhiên, hiện tại, bảo vật quốc gia này chưa có được sự quan tâm bảo vệ đúng mức và có dấu hiệu bị xâm hại.

“Cửu vị thần công” là 9 khẩu súng thần công bằng đồng được đúc từ tháng 1 năm 1803 đến tháng 1 năm 1804 dưới thời vua Gia Long nhà Nguyễn. Vật liệu đúc là toàn bộ mãnh khí bằng đồng thu hồi được của triều Tây Sơn. Các khẩu thần công này được thực hiện tại Kinh đô Phú Xuân (Huế) bởi lính thợ ở Bộ Công và lính Bộ Binh triều Nguyễn.

Một số tư liệu ghi rằng trong các lần giao tranh với quân Tây Sơn, nhờ sức mạnh của súng thần công mà Vua Gia Long đã giành thắng lợi trong các trận đánh lớn. Nên khi thống nhất giang san, Gia Long cho đúc “Cửu vị thần công” đánh dấu cho sức mạnh và sự trường tồn vương triều của mình.

“Cửu vị thần công” được đúc không nhằm mục đích chiến đấu trong trận mạc và thực tế chưa bao giờ khai hoả. Các khẩu thần công này tượng trưng cho các vị thần bảo vệ vương triều; là đồ tế khí dùng để trang trí và thị uy cho bộ mặt Kinh thành, Hoàng cung thêm phần oai nghiêm.

Cả 9 vị thần súng được đặt trên giá súng bằng gỗ lim, mỗi giá súng nặng khoảng 900kg, được đặt trên 4 bánh xe, được chạm lọng khéo léo với hình ảnh những con mãnh long uốn lượn giữa những đám mây. Rồng được khắc trên giá súng là rồng 5 móng - biểu tượng của nhà vua, với móng thứ 5 ngược chiều với 4 móng còn lại.

Trên thân mỗi vị thần súng này được khắc những câu chữ Hán nói rõ trọng lượng, kích cỡ cùng chỉ dẫn về những cuộc tập dượt mà mỗi vị phải trải qua cũng như những điều kiện bất khả thi mà khi cần thiết, các vị thần súng mang “quân hàm” tướng này phải ra trận. Trên đầu nòng và chỗ nạp ngòi súng được khắc hoa văn uốn lượn tinh xảo cùng bản văn bằng chữ triện nhắc đến lịch sử ra đời của các vị thần súng oai vệ này.

















Họa tiết hoa văn được chạm khắc trên thân súng, quai súng.





9 khẩu thần công được chia làm 2 nhóm: Nhóm “Tứ thời” gồm 4 khẩu Xuân - Hạ - Thu - Đông; và nhóm “Ngũ hành” gồm 5 khẩu Kim - Mộc - Thuỷ - Hoả - Thổ với khối lượng khổng lồ (dao động từ 17.100kg - 18.800 kg, chiều dài súng đồng nhất 5,1m), không chỉ được Vua Gia Long phong tướng là Thần Oai Vô Địch Thượng Tướng Quân, thời Minh Mạng, “Cửu vị thần công” được phong tước “Thống lĩnh” quân đội, uy dũng ngang hàng với thần linh.

Khi được phong tướng phong thần, “Cửu vị thần công” rất oai linh, được giới quan võ, quan văn sùng kính, ai đi qua cũng phải ngả nón cúi chào như một vị thánh hoàng.

Không dừng lại ở việc được phong chức tước, “Cửu vị thần công” còn được các vua triều Nguyễn cho lập miếu thờ với bổng lộc là chế độ cúng tế tương đương miếu thờ thần gió, thần mưa, miếu thờ thần lửa, thần hà bá...

Ngày 1/10/2012, “Cửu vị thần công” là 1 trong 30 hiện vật/nhóm hiện vật được công nhận là “Bảo vật Quốc gia Việt Nam” lần đầu tiên. Tuy nhiên, hiện tại, bảo vật quốc gia này chưa có được sự quan tâm bảo vệ đúng mức và có nguy cơ bị xâm hại.











'Cửu vị thần công' chưa có một vị thế trang trọng xứng đáng, hệ thống lan can gỗ xung quanh đã mục nát, hư hại.





Hành vi phản cảm của những người vô ý thức.





Hiện “Cửu vị thần công” được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế - Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhưng chưa có một vị thế trang trọng xứng đáng. Hệ thống lan can gỗ xung quanh “Cửu vị thần công” đã mục nát, hư hại, mái tôn xuống cấp. Mặc dù trước “Cửu vị thần công” đã có dòng chữ “Vui lòng không ngồi lên trên di tích”, nhưng xem ra, dòng chữ này không đủ sức răn đe những người vô ý thức. Trẻ con, người lớn vẫn “hồn nhiên” ngồi lên, đu lên bảo vật quốc gia.

Thiết nghĩ, “Cửu vị thần công” xứng đáng được quan tâm hơn nữa, nên có một vị trí trang trọng hơn để xứng đáng với danh xưng, để hậu thế có thể hiểu rõ hơn về một triều đại với quá nhiều giông bão.

T.H (ảnh: Internet)





Theo cinet.vn

View more random threads: